Người dân Đài Loan diễn tập trú ẩn ngày 17 tháng Bảy năm 2025 để chuẩn bị cho tình huống Trung Quốc tấn công hòn đảo. AFP - I-HWA CHENG
Năm 2027 đánh dấu một trăm năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đại hội đảng Cộng Sản lần thứ XXI, và rất có thể là nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của Tập Cận Bình. Liệu Đài Loan có trở thành “vật tế” cho những bữa tiệc này của Bắc Kinh?
Vào năm 2023, William Burns, khi đó là giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ CIA, từng báo động rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xem xét cơ hội tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan trước năm 2027. Về phía Đài Loan, lần đầu tiên trong một cuộc diễn tập quân sự thường niên, hòn đảo này đã xác định năm 2027 là thời điểm có thể xảy ra một cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Và rồi gần đây nhất là hồi tháng Sáu năm nay, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth cũng đã lên tiếng cảnh báo về mốc thời gian này.
2027: Tập Cận Bình cho tấn công Đài Loan để duy trì quyền lực?
Năm 2027 sẽ là năm diễn ra Đại hội lần thứ XXI của đảng Cộng Sản Trung Quốc, một dịp để bổ nhiệm các lãnh đạo mới và sẽ quyết định liệu đây có mở ra nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của Tập Cận Bình hay không. Chuyên gia Mark Julienne, giám đốc Trung tâm Á châu của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nhận định trên tờ Le Soir của Bỉ rằng : “Tập Cận Bình có thể sẽ cho tấn công Đài Loan vào năm 2027 để duy trì quyền lực của mình”.
Nhận định từ năm 2024 của ông Julienne dường như càng đúng hơn trong bối cảnh hiện nay, khi mà lần đầu tiên kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, có những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng chánh trị của chủ tịch Trung Quốc đang suy giảm, như việc ông liên tục vắng mặt trong các cuộc họp và diễn đàn quốc tế, trên các phương tiện truyền thông Nhà nước. Nhiều tướng lĩnh thân cận với ông cũng đã bị thanh trừng và quan trọng nhất là tuyên bố của các Ủy viên Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc rằng từ nay nguyên tắc sẽ là quay trở lại với sự lãnh đạo tập thể trong các cơ quan quản lý của đảng.
Hơn nữa theo Le Monde, Tập Cận Bình đã không ngừng nhắc lại về sứ mệnh lịch sử này, khi ông nuôi giấc mộng hoàn tất hành trình cách mạng còn dang dở của Mao Trạch Đông. Với ông Tập, nhiệm vụ này “không thể cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Đây là một yếu tố cốt lõi trong công cuộc “phục hưng vĩ đại” của dân tộc Trung Hoa, điều đã được dùng để biện minh cho việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch của ông Tập vào năm 2018. Vậy thì, làm sao một vị chủ tịch với quyền lực tuyệt đối lại có thể tại vị suốt ba, thậm chí có thể là bốn nhiệm kỳ, tức hai thập kỷ, mà không mang lại được kết quả cụ thể nào về vấn đề vốn được trình bày trước nhân dân như là mục tiêu mang tính sống còn?
2027: Chủ nhân Tòa Bạch Cung vẫn tại vị
Thứ hai, năm 2027 vẫn nằm trong khoảng thời gian tại vị của hai tổng thống đương nhiệm tại Hoa Kỳ và Đài Loan. Về phần tổng thống Mỹ, thái độ bất nhất của chủ nhân Tòa Bạch Cung đã khiến các đồng minh ngày càng lo ngại về phản ứng của Washington khi có chiến tranh xảy ra. Sau khi cáo buộc Đài Bắc “đã đánh cắp” ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, ông Trump đe dọa áp mức thuế 25%, tương tự như với Nhật Bổn và Nam Hàn, nơi đặt hai căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong khu vực.
Trong khi Joe Biden công khai thể hiện quyết tâm bảo vệ Đài Loan bằng quân sự nếu bị tấn công, ông Trump, với “kỹ nghệ đàm phán”, của mình lại dựa vào “sự mơ hồ chiến lược”. Ông vừa dọa áp thuế cao, vừa hứa hẹn các hợp đồng bán võ khí mới với Đài Loan, vừa tuyên bố có “mối quan hệ tuyệt vời” với “người bạn” Tập Cận Bình, lại vừa dọa “đánh bom” Trung Quốc nếu Bắc Kinh thôn tính hòn đảo. Những chiến thuật gây nhiễu này phần nào có thể tạo ra ưu thế cho ông Trump trên bàn đàm phán, nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi. Theo Le Figaro, những đòn tấn công này vừa tạo thêm sự lo lắng trên đảo Đài Loan, vừa góp phần vào thành công của các chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, nhằm làm giảm tinh thần của người dân Đài Loan, nhấn mạnh rằng họ “đơn độc” và không có sự ủng hộ quốc tế trước một đối thủ khổng lồ với 1,3 tỷ dân.
Người dân Đài Loan cũng ngày càng lo ngại về đồng minh Mỹ. Theo các cuộc thăm dò ý kiến dân cư Đài Loan do Viện Brookings, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, thực hiện, tỷ lệ người “không thể tin tưởng vào Mỹ” đã tăng từ 24% vào tháng 07/2024 lên 37,9% vào tháng 4/2025 vừa qua. Trong một cuộc khảo sát khác được thực hiện vào tháng 4/2025 bởi Quỹ Dư luận Đài Loan, đa số người tham gia cho rằng Mỹ “không đáng tin cậy”, chiếm 57,2%, trong khi chỉ có 31,4% nghĩ ngược lại.
2027: Quốc Hội Đài Loan có thể vẫn bị chia rẽ sâu sắc
Về phần tổng thống Đài Loan, nhiệm kỳ của ông Lại Thanh Đức sẽ kết thúc vào năm 2028. Là nhân vật bị Bắc Kinh căm ghét vì từng tự mô tả mình là “người công chức vì độc lập”, vị tổng thống họ Lại đi theo con đường của người tiền nhiệm Thái Anh Văn và cũng rất cứng rắn trước Bắc Kinh. Tuy nhiên, tại Quốc Hội, đảng của ông, đảng Dân Tiến (DPP), đã đánh mất thế đa số, chỉ giành được 51 ghế so với 52 ghế của Quốc Dân Đảng (KMT), vốn ủng hộ việc nối lại quan hệ và hợp tác với Trung Quốc.
Những chia rẽ chánh trị sâu sắc đã phần nào làm ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định của tổng thống Lại Thanh Đức. Chẳng hạn như khi Quốc hội Đài Loan quyết định cắt giảm ngân sách cho quốc phòng dù tổng thống Mỹ đã nhiều lần kêu gọi hòn đảo nâng ngân sách này lên mức tương đương 10% GDP. Ông John Dotson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu về Đài Loan (Global Taiwan Institute) nhận định trên Le Monde rằng “điều đó đã gây tổn hại đáng kể đến hình ảnh của Đài Loan tại Washington, và có lẽ đặc biệt là trong mắt Donald Trump,” luôn cảm thấy các đồng minh chi tiêu quá ít cho quốc phòng.
Liệu Bắc Kinh có sử dụng võ lực để thôn tính hòn đảo?
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng việc đánh chiếm Đài Loan bằng võ lực không phải là con đường duy nhất mà Bắc Kinh có thể lựa chọn. Tuy nhiên, đây vẫn là một tình huống mà nước này chưa bao giờ loại trừ. Hồi tháng 3/2025, Trung Quốc đã công bố tăng 7,2% ngân sách quốc phòng cho năm 2025, tương đương 245,7 tỷ đô-la. Tuy nhiên, ông Pierre-Antoine Donnet, cựu tổng biên tập của hãng tin AFP, nhận định trên trang Asialyst rằng những con số chánh thức có thể thấp hơn thực tế rất nhiều. Điều này nhằm che giấu một quá trình tái võ trang quy mô lớn, trong đó một trong những mục tiêu công khai là tạo điều kiện để Trung Quốc có thể phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Đài Loan trong những năm tới.
Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa chắc đã lựa chọn khơi mào một cuộc chiến toàn diện nhắm vào Đài Loan. Cuộc xâm lược của Vladimir Putin vào Kiev đã cho Tập Cận Bình thấy mức độ rủi ro của một cuộc phiêu lưu quân sự mang tính “được ăn cả, ngã về không”. Một chuyên gia về chánh trị học ẩn danh phân tách rằng: “Một cuộc xâm lược quy mô lớn là quá rủi ro, nên ông Tập có thể sẽ chọn một chiến dịch hạn chế hơn, chẳng hạn như chiếm một hòn đảo trong eo biển.”
Le Monde nhận định những đảo trong tầm ngắm của Bắc Kinh có thể là đảo Bành Hồ hoặc Mã Tổ, những vị trí cách xa các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam và Okinawa. Le Figaro cho rằng Trung Quốc sẽ tấn công vào đảo Kim Môn, cách đất liền Trung Quốc khoảng 4km và cách đảo chính Đài Loan hơn 130km. Hơn nữa, người dân địa phương tại đây lại rất ủng hộ việc giao lưu với Trung Quốc. Nếu cuộc xâm lăng xảy ra, liệu Đài Bắc có sẽ dốc toàn lực để bảo vệ một hòn đảo xa xôi như vậy hay không? Ngoài ra, tổng thư ký NATO Mark Rutte gần đây cũng đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan sẽ đi kèm với các hành động quân sự của Nga ở Âu châu để phân tán lực lượng và sự chú ý của các nước Tây phương. Trong khi đó, Tập Cận Bình có thể tuyên bố đây đã là một bước tiến mang tính lịch sử, mở ra các kế hoạch thôn tính sau đó, đồng thời khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại Hoa lục.
(Theo RFI)