Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp Thierry Burkhard (P) và tổng thống Emmanuel Macron trong lễ kỷ niệm 106 năm ngày ký Hiệp định đình chiến 11/11/1918, chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến, tại Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp, ngày 11/11/2024. AP - Ludovic Marin
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp, tướng Thierry Burkhard, chưa từng phát biểu trước công chúng kể từ mùa thu 2021, tức trước chiến tranh Ukraine. Trong cuộc họp báo hôm11/07/2025, tại Paris, tổng tham mưu trưởng Burkhard đã nhấn mạnh đến việc Nga là mối đe dọa « lâu dài » đối với an ninh của Pháp, của Âu châu, và không nên đặt hy vọng vào một trật tự quốc tế ổn định hơn sẽ sớm trở lại.
Theo AFP, trong cuộc họp báo hiếm hoi này, chỉ huy Quân đội Pháp đã vạch ra hàng loạt các đe dọa đối với nước Pháp, « những cuộc khủng hoảng chồng chất » trên thế giới, đang thường xuyên được sử dụng nhằm hủy hoại tinh thần đoàn kết quốc gia, « yếu tố cốt lõi làm nên sức chống chọi của dân tộc ». Theo tổng tham mưu trưởng Burkhard, nước Pháp, cường quốc hạt nhân, hiện không bị đe dọa « tấn công trực tiếp và nghiêm trọng trên lãnh thổ quốc gia », nhưng Nga – coi Pháp là « đối thủ chính tại Âu châu » - có thể sử dụng « nhiều phương thức khác » của chiến tranh hỗn hợp, từ « khủng bố » đến « thao túng các làn sóng nhập cư lậu », từ gieo rắc tin giả, tin bóp méo tại Pháp, tại Phi châu, đến phá hoại các cơ sở hạ tầng dưới biển, hay các hành động thù địch của vệ tinh Nga trên không gian…
Guồng máy kinh tế chiến tranh Nga « đang hoạt động hết công suất »
Về chiến tranh Ukraine, tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp nhấn mạnh đến việc « không những an ninh của Âu châu đang được quyết định tại Ukraine, mà cả vị thế của các nước Âu châu trong thế giới tương lai », và Âu châu phải đóng vai trò chủ đạo trong việc hậu thuẫn Ukraine trong bối cảnh các đóng góp từ phía Mỹ « chắc chắn sẽ sụt giảm ».
Trả lời RFI, tướng Thierry Burkhard, tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp lưu ý đến việc guồng máy kinh tế chiến tranh Nga « đang hoạt động tối đa công suất », và trở thành một đe dọa thực sự đối với sườn đông NATO trước năm 2030, « bất chấp các tổn thất ghê gớm » của quân đội Nga tại Ukraine:
« Nga là một mối đe dọa lâu dài. Cuộc chiến tranh ở Ukraine có ý nghĩa sống còn đối với Nga, có thể với mục tiêu cuối cùng là nhằm làm suy yếu Âu châu và giải thể khối NATO. Đây là mục tiêu của Nga. Để đạt được điều này, họ đã thiết lập một nền kinh tế thời chiến. Với cuộc chiến ở Ukraine, nền kinh tế này hiện đang hoạt động hết công suất, không thể dừng lại một cách đột ngột. Điều này có nghĩa là Nga sẽ tiếp tục tái võ trang với tốc độ như vậy. Theo thẩm định của chúng tôi, bất chấp những tổn thất to lớn đang phải gánh chịu, Nga sẽ một lần nữa trở thành một thế lực đe dọa thực sự đối với biên giới của chúng ta, sườn đông Âu châu trước năm 2030.
Rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với một thay đổi về hệ quy chiếu chiến lược. Khó mà xác định được khi nào tình hình sẽ trở nên hòa dịu và viễn cảnh bình ổn trong ngắn hạn. Tôi tin rằng chúng ta đang phải đối mặt với điều mà tôi gọi là ‘‘effets cliquet’’ (hiệu ứng bánh cóc, tức tình trạng không thể trở lui). Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên trông đợi là đường chân trời hiện ra, quá khứ sẽ trở lại. Thay vào đó, chúng ta cần sẵn sàng ứng phó với thế giới này đúng như chúng ta đang đối mặt trong hiện tại. Đó là thực tế. »
Thông báo mới của tổng thống Macron về ngân sách quốc phòng
Phát biểu của tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp được đưa ra hai ngày trước diễn văn về ngân sách cho Quân đội của tổng thống Emmanuel Macron, tối ngày 13/07, trước thềm lễ duyệt binh ngày Quốc khánh 14/07. Điện Elysée cho biết tổng thống Macron sẽ đưa ra « các thông báo quan trọng ».
Cho đến nay, nước Pháp mới chỉ chi 2% GDP cho quốc phòng. Pháp cũng như các thành viên NATO nói chung vừa cam kết chi thêm ít nhất 3,5% GDP/năm cho các chi phí quân sự, từ đây đến 2035. Có nghĩa là Pháp sẽ phải chi thêm hàng chục tỷ euro cho quốc phòng trong những năm tới. Theo Luật về chi phí quân sự của Pháp, thông qua năm 2023, chi cho quốc phòng dự kiến là 400 tỷ euro từ đây đến 2030, đây vốn đã là một kỷ lục.
Nga tăng cường tấn công vào miền tây Ukraine
Phòng không Ukraine đã bắn chặn được 25 hỏa tiễn và hơn 300 drone, đồng thời kêu gọi đồng mình có hỗ trợ cụ thể, thực tế hơn là « những dấu hiệu ». Vụ tấn công của Nga diễn ra sau khi ông tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, khẳng định đã được đồng nhiệm Mỹ Donald Trump xác nhận lịch trình cụ thể về việc tiếp nhận đợt võ khí mới, cũng như sau thông báo về chuyến thăm của đặc phái viên của Washington về hồ sơ Ukraine, dự trù đến Kyiv vào tuần sau.
Từ Kiev, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tường trình:
« Trong đêm 11/07, những thành phố vốn không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc xâm lược của Nga trong 2 năm qua, đã bị tấn công, như tại Lutsk, Chernivtsi, Lviv. Những thành phố này nằm ở phía tây của đất nước. Hàng ngàn người Ukraine đã di tản, đến lánh nạn tại đây vì cuộc chiến ở miền đông Ukraine, khi nghĩ rằng sẽ được an toàn. Thế nhưng, các thành phố này từ nay trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên hơn của Nga.
Tại Chernivtsi, các mảnh vỡ drone rơi xuống đã khiến ít nhất hai người bỏ mạng. Hơn chục người khác bị thương. Tại vùng đông bắc Ukraine, thành phố Kharkiv chỉ cách biên giới Nga khoảng 30 cây số cũng đã bị tấn công bởi hai quả bom lượn và các drone Shahed. Theo chính quyền Ukraine, các cuộc tấn công đã làm hư hại các tòa chung cư và cả các hạ tầng dân sự, cũng như là một cơ sở công nghiệp đã ngừng hoạt động.
Các cuộc tấn công này xảy ra chỉ sau cuộc họp về tái thiết Ukraine được tổ chức tại Rome, nơi đồng minh đưa ra nhiều hứa hẹn hỗ trợ Kyiv, đặc biệt là về phòng không. »
(Theo RFI)