Nữ diễn viên Na Nhĩ Na Thiến đã gia nhập danh sách ngày càng dài những người bị "soi" ở Trung Quốc vì đặc quyền "con ông cháu cha" của họ. Ảnh: Getty Images

 

 

 

Tác giả, Fan Wang

Vai trò, BBC News

Singapore

 

 

Năm nay đáng lẽ là một năm đột phá của nữ diễn viên Trung Quốc Na Nhĩ Na Thiến (Nashi), khi cô đóng vai chánh trong hai bộ phim điện ảnh bom tấn và một bộ phim truyền hình rất được mong đợi.

 

Nhưng rồi, vào tháng Sáu, sự nghiệp của nữ diễn viên 35 tuổi này sụp đổ khi cơn sốt về điểm thi đại học của cô từ hơn một thập niên trước bất ngờ bị khơi lại, khiến mạng xã hội dậy sóng - cuối cùng dẫn đến một cuộc điều tra chánh thức về hồ sơ học bạ của cô.

 

Hậu quả đến ngay lập tức. Tên cô bị xóa khỏi danh sách dàn diễn viên của bộ phim Trái vải Trường An, và các thương hiệu bắt đầu cắt hợp đồng.

 

Cô trở thành cái tên mới nhất trong danh sách ngày càng dài những người bị soi xét gắt gao ở Trung Quốc về đặc quyền, với việc chính quyền phải mở các cuộc điều tra nhằm xoa dịu sự phẫn nộ từ công chúng.

 

 

Trong những tháng gần đây, các vụ bê bối lan truyền trên mạng đã "gọi tên" hai nữ diễn viên, một cựu sinh viên Harvard và một bác sĩ đang làm việc ở một bệnh viện hàng đầu Bắc Kinh: tất cả đều là những phụ nữ trẻ. Họ bị cáo buộc đã lợi dụng các mối quan hệ gia đình để trục lợi bất chính.

 

"Năm nào cũng có những vụ đặc quyền, nhưng năm nay thì nhiều nhất từ trước đến nay", một người dùng viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Một người khác viết: "Tôi rất muốn thấy những vụ bê bối kiểu này nhiều hơn. Những vụ này thực sự mở mang tầm mắt."

 

Bực tức với tình trạng thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế trì trệ, theo các nghiên cứu, ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc cảm thấy rằng các mối quan hệ, tiếng Trung là guanxi, mang lại nhiều lợi ích hơn so với làm việc chăm chỉ.

 

Chẳng hạn, Na Nhĩ Na Thiến bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ của mẹ cô, cũng là một diễn viên, để ghi danh vào một trường kịch nghệ danh tiếng.

 

Chương trình này, mà mẹ cô từng theo học vào những năm 1980, dành cho những sinh viên người Mông Cổ như họ. Nhưng sau đó, các đoạn clip phỏng vấn cũ được đào lại, trong đó nữ diễn viên nói rằng cô đã không hoàn thành một nghĩa vụ quan trọng - thay vì trở về làm việc tại Nội Mông sau khi tốt nghiệp như yêu cầu của chương trình, cô lại đi du học ở Na Uy.

 

Các đồn đoán bắt đầu bùng lên từ đầu tháng Sáu, đúng vào lúc hàng triệu học sinh lớp 12 đang bước vào cao khảo - kỳ thi đại học khốc liệt - cũng là kỳ thi đã đưa Na Nhĩ Na Thiến giành được một suất vào trường kịch nghệ năm 2008.

 

Các "thám tử mạng" đã lục lại điểm đầu vào thấp nhất năm đó và nghi ngờ đó là của cô. Họ đặt câu hỏi: Có phải cô được vào trường này chỉ vì nhờ vào mẹ mình? Cáo buộc đủ nghiêm trọng để cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ rằng điểm của cô thực ra cao hơn nhiều.

 

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ.

 

 

Bê bối khơi mào tất cả

 

Bê bối trên mạng không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc, nhưng đã trở thành sự giải tỏa cần thiết - để trút sự tức giận, hoài nghi, hay chỉ đơn giản là thất vọng - trong một xã hội bị kiểm duyệt gắt gao.

 

Truyền thông độc lập gần như không tồn tại, tạo điều kiện cho những tin đồn và suy đoán lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

 

Và trong một số trường hợp, cư dân mạng đã tự điều tra để xác minh các cáo buộc và vạch trần hành vi sai trái.

 

Đó là những gì đã xảy ra vào tháng 4/2025, khi hai bác sĩ - chỉ được nêu họ là ông Tiêu và cô Đổng – làm việc tại một bệnh viện hàng đầu ở Bắc Kinh bị cuốn vào một cơn bão dư luận vì nghi ngờ họ ngoại tình.

 

 

Những đồn đoán về Na Nhĩ Na Thiến đã tăng lên vào đầu tháng 6, khi hàng triệu học sinh cuối cấp trung học ở Trung Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học khắc nghiệt có tên là cao khảo. Nguồn hình ảnh: Getty Images

 

 

Vợ của ông Tiêu đã viết thư tới cơ quan của ông, cáo buộc chồng mình thiên vị cô Đổng tại nơi làm việc vì hai người đang có quan hệ tình cảm.

 

Trong số rất nhiều cáo buộc của người vợ, có một chi tiết khiến vị bác sĩ này cuối cùng bị mất việc: người vợ tố rằng ông đã để mặc một bệnh nhân đang được gây mê không có người giám sát trên bàn phẫu thuật trong 40 phút để bảo vệ cô Đổng trong một cuộc tranh cãi với y tá.

 

Đó là một tình tiết gây sốc, nhưng mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi sự chú ý chuyển sang cô Đổng. Cư dân mạng phẫn nộ khi phát hiện cô này chỉ mất 4 năm để hoàn tất việc học ngành y, trong khi bình thường tối thiểu phải là 8 năm.

 

Họ cáo buộc cô này đã gian lận để có suất trong một chương trình đặc biệt tại Học viện Y Liên hiệp Bắc Kinh - ngôi trường y khoa danh giá nhất Trung Quốc - và đạo văn luận văn tốt nghiệp.

 

Phản ứng dữ dội đến mức Ủy ban Y tế Quốc gia phải điều tra và xác nhận các cáo buộc. Cơ quan chức năng sau đó thu hồi giấy phép hành nghề và các bằng cấp của cô Đổng, với hy vọng dập tắt tranh cãi.

 

Kinh nghiệm lâm sàng của nữ bác sĩ này - trải rộng trên nhiều chuyên khoa khác nhau - cũng bị nghi ngờ, cùng với các mối quan hệ chánh trị của gia đình cô. Tuy nhiên, giới chức đã không phản hồi những cáo buộc đó, càng khiến dư luận nghi vấn về một sự che đậy.

 

Một nữ bác sĩ trẻ ở thành phố Thanh Đảo, người không muốn tiết lộ tên, cho biết, "Bước nào cũng có sai sót. Họ sẽ không đào sâu thêm nữa".

 

Cô nói rằng việc nhiều người sử dụng "quan hệ" để giúp con cái tìm việc làm không phải là hiếm, nhưng điều khiến cô bận tâm là "sự bất công ăn sâu vào hệ thống".

 

Đã mất 11 năm để trở thành bác sĩ nội trú như cô Đổng, nữ bác sĩ trẻ giấu tên nói rằng cô và các đồng nghiệp chưa bao giờ nghe nói về chương trình mà cô Đổng đã tốt nghiệp: "Tất cả chúng tôi đều sốc khi biết chuyện đó. Rõ ràng, chương trình đó không dành cho những người bình thường như chúng tôi."

 

Vụ bê bối này đặc biệt gây chấn động ở một quốc gia có sự cạnh tranh khốc liệt như Trung Quốc, nơi các bác sĩ làm việc cật lực nhiều giờ liền để giành được vị trí nội trú tại các bệnh viện hàng đầu, hoặc chỉ để giữ được công việc hiện tại.

 

Cô đặt câu hỏi, như đang nói thay cho rất nhiều người thất vọng trong những bình luận tràn ngập mạng xã hội: "Tại sao mọi thứ lại bất công đến vậy",

"Chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi, chăm sóc bệnh nhân tận tình - như thể chúng tôi là con cháu của họ. Vậy mà cuộc sống của chúng tôi còn tệ hơn nhiều so với [cô] Đổng."

 

 

Bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Harvard Tưởng Vũ Dung đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Nguồn: hình ảnh,Getty Images

 

 

Chính sự bất mãn này cũng là nguyên nhân dẫn đến làn sóng phẫn nộ nhắm vào Tưởng Vũ Dung (Jiang Yurong Luanna) – một sinh viên tốt nghiệp từ Harvard - vào tháng Sáu.

 

Nữ du học sinh thu hút sự chú ý sau khi bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp của cô được lan truyền cùng ngày với việc một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ chặn lệnh cấm sinh viên nước ngoài theo học tại Harvard của Tổng thống Donald Trump.

 

Trong video của mình, cô Tưởng nói về tuổi thơ đầy khó khăn, phải "lang thang từ nơi này sang nơi khác", và việc học tập chăm chỉ đã mang lại cho cô mọi thứ ngày hôm nay.

 

Ban đầu, cô nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã kêu gọi sự đoàn kết trong một thế giới đang phân cực – thậm chí một số người Trung Quốc còn nói họ xúc động trước những lời nói của cô.

 

Nhưng sau đó, các bài đăng trên mạng xã hội của cô khiến cộng đồng mạng Trung Quốc khó chịu. Họ bắt đầu soi xét lý lịch của cô và đặt nghi vấn về lời khẳng định rằng thành công của cô hoàn toàn là nhờ nỗ lực cá nhân.

 

Những người chỉ trích không đồng cảm với khó khăn của cô – họ tìm ra điểm sai trong từng câu chuyện, và khi cô phản ứng lại, họ càng tấn công mạnh mẽ hơn.

 

Tưởng Vũ Dung dường như là một lời nhắc nhở khác về thực tế rằng cơ hội đang ngày càng thu hẹp đối với nhiều người trẻ Trung Quốc.

 

Sự tăng trưởng trì trệ sau đại dịch Covid đã khiến hàng loạt người mất việc, lương bị cắt giảm và nhiều công ty ngừng tuyển dụng. Hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đang chật vật tìm việc, chấp nhận làm những công việc lương thấp hơn, hoặc bỏ cuộc hoàn toàn.

 

Một người dùng trên nền tảng Tiểu Hồng Thư cho biết cô đã lên mạng đăng bài bày tỏ sự phẫn nộ về các bê bối này, để rồi chỉ vài giờ sau nhận được thông báo rằng lời mời làm việc mà cô đã chấp nhận trước đó đã bị hủy vì công ty dừng tuyển dụng.

 

Cô viết, "Quả đúng là, những thứ bạn không có từ lúc sinh ra thì suốt đời này bạn cũng không thể có được".

 

 

 

'Bạn biết những gì bạn biết'

 

Sự tăng trưởng trì trệ sau đại dịch Covid ở Trung Quốc đã khiến hàng loạt người mất việc, lương bị cắt giảm và nhiều công ty ngừng tuyển dụng. Nguồn hình ảnh: AFP via Getty Images

 

 

Sự tức giận này không phải là điều mới mẻ. Trong một thời gian, chính phủ Trung Quốc đã kiểm duyệt các hành động phô trương giàu có quá mức của những người nổi tiếng và người có sức ảnh hưởng. Nhưng vẫn có những thứ vượt qua được sự giám sát đó - như một đôi bông tai chẳng hạn.

 

Bê bối ập đến với nữ diễn viên Hoàng Dương Thiên Thiên khi cộng đồng mạng nghi ngờ rằng đôi bông tai mà cô đeo gần đây có giá hơn 2,3 triệu nhân dân tệ (320.000 USD).

 

Họ bắt đầu đặt câu hỏi về việc cô này làm thế nào mà có đủ tiền để mua món đồ đó, rồi phát hiện ra cha cô từng là cán bộ nhà nước sau đó chuyển sang làm kinh doanh. Tiếp đến, họ tìm hiểu thêm được là cha cô từng làm việc trong chính quyền địa phương ở thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên - khu vực từng bị một trận động đất mạnh năm 2008 tàn phá.

 

Vụ việc nhanh chóng bùng nổ với nhiều nghi vấn xoay quanh sự giàu có của gia đình cô và những lời ám chỉ rằng họ đã trục lợi từ quỹ cứu trợ sau động đất. Chính quyền bác bỏ điều đó và tuyên bố đôi bông tai của cô Hoàng thực ra làm bằng thủy tinh, chỉ là bản nhái của một đôi bông tai hàng hiệu.

 

Nhưng không phải ai cũng tin họ. "Bạn tự hiểu mà", một bình luận trên Weibo nhận được hơn 1.000 lượt thích viết. Một người khác hỏi: "Các quan chức đang cười à?"

 

Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đủ quan tâm để mở cuộc điều tra, nhưng phản ứng nhanh chóng của họ dường như vẫn chưa đủ.

 

"Việc mất lòng tin của công chúng không phải ngày một ngày hai", một người dùng trên Tiểu Hồng Thư viết. "Đó là kết quả của hết cuộc điều tra này đến cuộc điều tra khác khiến chúng tôi cảm thấy bị coi thường về trí tuệ, và hết vụ việc chưa giải quyết xong này đến vụ khác."

 

Sự bất mãn của công chúng vẫn tồn tại trong khi chính quyền đang vật lộn để đối phó với sự bất ổn ngày càng tăng. Và thông điệp mà chính quyền gửi tới giới trẻ là họ nên "ngậm đắng nuốt cay" - một thành ngữ Trung Quốc nghĩa là chấp nhận gian khổ - để góp phần vào sự "phục hưng dân tộc."

 

Nhưng trên mạng, một trong số ít không gian mà người dân Trung Quốc vẫn có thể lên tiếng về vấn đề này, thông điệp đó dường như trở nên sáo rỗng khi mọi người tranh luận về những lợi thế mà "giới tinh hoa", thường được gọi đơn giản là "bọn họ", được hưởng.

 

Một bình luận được yêu thích nhất trên Weibo viết: "Bọn họ là lý do tại sao chúng ta đã làm việc chăm chỉ suốt ba thế hệ mà vẫn sống trong khốn khó".

 

Một bình luận khác trên Tiểu Hồng Thư, dù không nhắm cụ thể vào ai, lại viết: "Chúng ta kiếm từng đồng từng cắc, trong khi họ biển thủ hàng trăm triệu - và rồi họ dạy chúng ta rằng làm việc chăm chỉ sẽ dẫn đến thành công, và lao động là vinh quang."

 

 

 

(Theo BBC)