Hình ản Tổng thống Trump trong phòng Bầu Dục cùng với giới báo chí.
Trong bài diễn văn đầu tiên đọc trước lưỡng viện quốc hội, TT Trump đã nói một câu để đời vì không thể nào chí lý hơn, đại khái "Trước những vấn nạn lớn của đất nước, chúng ta không cần luật này luật nọ cho rườm rà, chúng ta chỉ cần một tổng thống mới". Vâng, thật đúng vậy, chỉ cần một tổng thống mới.
Ngày 20/4/2025 đánh dấu 3 tháng ngày TT Trump nhậm chức. Ta xem thử ông đã làm được những chuyện gì trong gần 100 ngày đầu.
Trong lịch sử Mỹ, vị tổng thống năng động nhất, làm nhiều chuyện nhất trong những ngày đầu là TT Franklin Roosevelt. Thế đấy, nhưng TT Trump đã chứng tỏ cho cả thế giới thấy, ông còn hơn xa TT Roosevelt, cho dù ông Trump cũng là TT cao tuổi nhất lịch sử Mỹ.
Già nhất nhưng cũng còn nhiều sinh lực nhất.
Trong khi đi vận động tranh cử, ông Trump đã tuyên bố một câu xanh rờn, đại khái (không phải nguyên văn) "Tôi sẽ độc tài trong một ngày đầu để giải quyết hai vấn nạn lớn nhất là khủng hoảng di dân lậu bằng cách chặn đứng nạn tràn lậu qua biên giới, và khủng hoảng dầu xăng bằng cách cho khoan dầu mệt nghỉ". Đám vẹt cuồng chống Trump mau mắn bóp méo, xuyên tạc để công kích ông Trump đã khẳng định sẽ độc tài trên tất cả mọi chuyện ngay từ ngày đầu tới ngày cuối.
Chẳng có gì lạ vì đám vẹt tị nạn mà không bóp méo, không xuyên tạc, không tung tin phịa, không chửi sảng, không chụp mũ, không ăn nói vô học, không chửi tục, thì không còn biết gì khác để nói về TT Trump được, cũng như không phải là vẹt. Chỉ có vậy thôi.
Trên thực tế, ta thấy rõ trong suốt ba tháng đầu, TT Trump đã chẳng độc tài một ngày nào. Tất cả đều theo thủ tục Hiến Định, trong giới hạn quyền Hiến định của người lãnh đạo Hành Pháp, tuy phe đối lập đã tiếp tục chính sách gọi là 'lawfare', dùng hệ thống tư pháp phe đảng, qua các công tố và quan tòa thiên tả cuồng chống Trump để cản, kiện tứ tung tất cả mọi quyết định của TT Trump, từ những vụ trục xuất băng đảng di dân lậu tới cắt giảm thanh lọc guồng máy công quyền. Những vụ kiện không có gì đáng ngạc nhiên, vì những quyết định của TT Trump gây thiệt hại lớn cho rất nhiều người, dĩ nhiên họ phải tìm cách chống cự, vì nồi cơm cá nhân.
Những vụ kiện cáo và nhất là những phán quyết của các quan tòa địa phương thật ra rất hữu ích nếu không muốn nói là cần thiết vì sẽ mang ra ánh sáng nhiều vấn đề lớn, đặc biệt liên quan đến quyền hạn của tổng thống so với quyền hạn của những quan tòa địa phương. Đây dĩ nhiên là vấn đề mà Hiến Pháp không quy định rõ, mà Tối Cao Pháp Viện đã bắt đầu cứu xét và lật ngược những quyết định càn của đám quan tòa phe đảng mù quáng. Việc TT Trump lạm quyền hay các quan tòa phe đảng làm ẩu dĩ nhiên là những vấn đề ngoài tầm hiểu biết của kẻ này nên xin miễn bàn thêm, mà chỉ có thể chờ xem cuộc chiến đi về đâu, đi tới đâu.
Dù sao thì những kiện cáo này sẽ xác nhận những khó khăn tày trời của cuộc 'cách mạng' ông Trump muốn thực hiện.
Ra ngoài nước Mỹ, TT Trump cũng sẽ phải đối phó với sự chống đối hầu như của cả thế giới, đặc biệt trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ, rất bất lợi cho cả thế giới, quen vắt sữa con bò Mỹ từ 70-80 năm qua. DĐTC đã bàn qua chính sách đối ngoại của TT Trump rồi, miễn bàn thêm.
Những kiện cáo trong nước và chống đối ngoài nước là hai 'rào cản' khổng lồ đang ngáng chân TT Trump. Chưa ai biết cuối cùng sẽ đi về đâu. Dù vậy, ai cũng thấy được những thành quả đáng kinh ngạc của TT Trump, bất chấp những rào cản vĩ đại đó. Dưới đây là bảng liệt kê sơ khởi và tóm gọn những thành tựu trong 3 tháng đầu của TT Trump.
Nội các mạnh
Năm 2017, tân tổng thống Trump lần đầu tiên bước vào chính trường Mỹ, chẳng biết ai là ai, đành nghe lời người này người kia giới thiệu các chính khách có thể giúp ông. Để rồi những hợp tác này, một phần không nhỏ thất bại. Tân TT Trump khám phá ra nhiều người ông mời hợp tác hoặc là không đủ khả năng, hoặc là không hợp với quan điểm chính trị hay cách làm việc của ông. Đi đến đổ vỡ, TT Trump thay đổi nhân sự liên tục, bị chửi te tua.
Năm nay, sau khi đã lên võ đài chính trị Washington DC đấu đá cả 8 năm trời, đã rút được nhiều bài học, đã biết được nhiều người rõ hơn, ai đủ khả năng, ai có lập trường và quan điểm chính trị như thế nào, ai yếu đuối, ai mạnh tay, ai kiên trì, ai dễ lung lạc, ai tham nhũng, ai trong sạch, nhất là ai chính danh, ai nằm vùng.
Đưa đến việc TT Trump dường như đã có được một nội các vững mạnh, cứng rắn, tài ba, kiên định lập trường và thuần nhất hơn xa nội các của năm 2017. Chuyện này có lẽ ta phải kiên nhẫn chờ một thời gian lâu hơn, tuy trong ba tháng qua, chúng ta đã có dịp thấy nội các năm nay của TT Trump làm việc ra sao. Cái đám nửa người nửa ngợm như Buttigieg, Sam Brinton, ... may mắn thay cho nước Mỹ, đã bị liệng vào thùng rác lịch sử hết rồi.
Khủng hoảng di dân lậu chấm dứt
Biden chủ ý muốn di dân Trung Mỹ vào càng đông càng tốt để cứu đảng DC về lâu về dài. Nhưng vì bất tài và lẩm cẩm, đã không kiểm soát được việc thi hành chính sách này, đưa đến việc di dân tràn vào Mỹ như nước vỡ đê, lên tới mức đỉnh cả chục ngàn người tràn vào mỗi ngày cuối năm 2023. Việc cho cả triệu di dân tràn vào trong khi nước Mỹ không có đủ phương tiện để lo một cách chu đáo cho tất cả chỉ là một hành động vô nhân đạo để phục vụ mục tiêu chính trị phe đảng, chứ chẳng phải là hành vi nhân đạo cứu người gì hết.
Cái may cho dân Mỹ và cho chính đám di dân lậu đó, là ông Trump đã lên nắm quyền, mau chóng chấm dứt ngay khủng hoảng di dân hỗn độn đó. Dĩ nhiên là không có cách nào TT Trump có thể trục xuất cả chục triệu di dân lậu đang sống ở Mỹ, nhưng ít nhất thì đám di dân cô hồn băng đảng, phạm pháp sẽ bị trục xuất cả chục, cả trăm ngàn tên, mang lại an toàn phần nào cho dân Mỹ, và biên giới khóa chặt không còn cảnh cả chục ngàn người tràn qua biên giới mỗi ngày nữa.
Trái với những xuyên tạc bá láp của đám vẹt, ông Trump vẫn chấp nhận di dân vào Mỹ sống, cỡ từ một triệu tới một triệu rưởi người vào mỗi năm một cách hoàn toàn hợp pháp, trong khả năng Mỹ có thể lo cho họ chu đáo hơn về mọi mặt như nhà cửa, ăn uống, công việc làm, y tế, giáo dục, an toàn và ổn định.
Lạm phát bị chặn
Thống kê chính thức cho biết trong tháng Hai là tháng đầu tiên của TT Trump, tỷ lệ lạm phát đã giảm: 2,8% so 3% của Tháng Giêng. Qua tháng Ba, giảm thêm nữa, xuống còn có 2,4%.
Tuy có giảm chút đỉnh, đúng ra phải giảm nhiều hơn nhưng bị giá trứng gà tăng quá nhanh. Giá trứng gà tăng nhanh vì trong những ngày cuối của Biden, gà bị nhiễm dịch nên cả chục triệu con gà đã bị giết, số trứng giảm nên giá tăng. Đây là hiện tượng nhất thời và giới hạn trong trứng gà thôi, còn mọi giá khác hoặc vẫn ổn định, hoặc giảm.
Giá trứng gà gia tăng 10,4% chỉ trong một tháng Hai, hay 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, qua tháng Ba, giá trứng gà đã giảm khá nhanh, -15% chỉ trong một tuần lễ đầu của tháng Ba. Lý do đầu tiên là nạn 'cúm gà' đã bị chặn và việc giết cả triệu con gà đã ngưng.
Giá xăng cũng đã giảm. Theo CNN, giá thùng dầu thô đã giảm 11% kể từ ngày ông Trump nhậm chức, tuy giá xăng bán lẻ xuống giá chậm khoảng một hai tuần, cho tới nay chỉ mới hạ giá có 2%. Năm 2024, dưới thời Biden, Mỹ sản xuất 13,3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Qua năm 2025 dưới thời Trump, các chuyên gia ước đoán sẽ tăng lên tới 13.5 triệu, rồi qua 2026, sẽ lên tới 13,6 triệu thùng.
Thuế quan mới thay đổi quan hệ với thế giới
Dĩ nhiên là TT Trump đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong chính sách thuế quan, khiến cả thế giới bất mãn, chống ông. Nhưng nghĩ lại cho kỹ, ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ và bảo vệ đồng tiền thuế của dân Mỹ đóng, chứ không phải để cả thế giới khai thác, để Mỹ nuôi cả thế giới và để Mỹ được cả thế giới mến mộ, nhưng không cám ơn mà cười chê là... ngu.
Đám vẹt cuồng chống Trump dĩ nhiên không cần biết mô tê gì, cứ có dịp chửi Trump là chửi, mà thật sự chẳng biết mình chửi cái gì, tại sao. Tên vẹt duyênnguyên viết "Áp thuế vô tội vạ một cách ngu xuẩn như trump làm...". Thế thì áp thuế 0% trong khi Liên Âu đánh thuế 39%, Tầu cộng 67%, Việt Nam 90%, Thái Lan 72%,... thì là không ngu xuẩn sao? Tay duyennguyên còn viết "Áp thuế thì người dân Mỹ lãnh đủ trước tiên...". Vậy tại sao ông Dân Chủ chủ tịch nghiệp đoàn nhân công xe hơi -United Auto Workers- lại công khai hoan nghênh TT Trump? Dân Việt tị nạn không mua nước mắm sản xuất tại VN nữa mà mua nước mắm làm tại Louisiana, có hại gì cho ai, và có lợi gì cho ai? Ngu xuẩn ở điểm nào?
Chính sách đối ngoại 'bò bị vắt sữa' cáo chung
Tình trạng cả thế giới xúm vào vắt sữa con bò Mỹ chấm dứt, để được thay thế bằng những quan hệ ngoại giao mới, dựa trên nguyên tắc tương kính, tương nhượng tôn trọng quyền lợi của nhau.
Xin quý độc giả bỏ công đọc lại bài dưới đây:
-Chính sách đối ngoại của TT Trump
Thế giới đầu tư vào Mỹ
TT Trump cho biết chỉ trong vòng ba tháng sau khi nhậm chức, ông đã mang về cho nước Mỹ khoảng 7.000 tỷ tiền đầu tư của nhiều đại tập đoàn quốc tế, một số không nhỏ quyết định mở hãng xưởng sản xuất tại Mỹ để tránh thuế quan. Việc các đại tập đoàn quốc tế bỏ cả ngàn tỷ đầu tư vào Mỹ hiển nhiên phản ảnh niềm tin của họ vào tương lai kinh tế Mỹ.
Văn Hóa Thức Tỉnh dẹp tiệm
Nếu có một chính sách nào có thể nói là quan trọng nhất, tiêu biểu nhất cho chính quyền Biden thì đó phải chính sách áp đặt cái gọi là 'văn hóa thức tỉnh' lên đầu dân Mỹ.
Lịch sử sẽ ghi nhận phong trào cách mạng văn hóa thức tỉnh của Biden là phong trào kích động quần chúng điên khùng không thua gì phong trào cách mạng văn hóa của Mao Xếng Xáng năm xưa bên Tầu. Cũng khai thác tối đa cái ngây ngô mơ màng của tuổi trẻ để đảo lộn xã hội.
DĐTC này đã bàn quá nhiều về chuyện quái dị hay dị hợm nhất của chính sách thức tỉnh khùng điên này, khỏi cần phải bàn thêm. Những tưởng dân Mỹ đều bị bệnh thần kinh hết thuốc chữa hết cả đám, để rồi buồn cho nước Mỹ, là xứ mình đã miễn cưỡng chọn làm quê hương thứ hai.
Cái may mắn vĩ đại là đám Biden đã đi quá xa khiến dân Mỹ... thức tỉnh lại kịp thời, để bầu một ông Trump lên để phá bỏ cái thức tỉnh khùng điên đó, ngăn chặn kịp thời để nước Mỹ khỏi lao đầu xuống hố khùng điên tập thể của cả nước.
Với tân TT Trump, tất cả những gì liên quan đến chính sách khùng nhưng thật tai hại DEI đều phải liệng bỏ vào thùng rác. Trong trường học, trong tất cả mọi công sở, cơ quan của liên bang và quan trọng nhất là trong quân đội. Từ giờ trở đi, mọi bổ nhiệm, thăng thưởng sẽ phải dựa trên khả năng và kinh nghiệm, bất kể màu da hay giới tính, chứ không còn chuyện ngược đời là bổ nhiệm và thăng thưởng theo màu da và giới tính bất cần biết kinh nghiệm, khả năng và thành tích. Hai lần phe cấp tiến thử lửa, đưa hai phụ nữ ra tranh cử tổng thống. Cả hai lần, dân Mỹ đều thấy cả hai bà đều chưa đủ khả năng để làm thuyền trưởng con tàu Mỹ quá lớn này.
'Cách mạng' lạ lùng nhất Trump mang lại cho nước Mỹ là nước Mỹ trở về trạng thái hết điên, với dân Mỹ chỉ còn là nam giới hay nữ giới không có 'nhầm lẫn' giới tính gì nữa, hết lưỡng giới, vô giới, lung tung giới, tuỳ hỷ giới, ... Các ông mày râu gân guốc không còn được tranh tài thể thao với giới liễu yếu đào tơ, càng không được vào lộn nhà cầu nữ giới.
Giáo dục chuyển hướng
Ngành giáo dục cấp liên bang lột xác lớn.
Thứ nhất, trên phương diện hành chánh, cái bộ Giao Dục liên bang coi như đóng cửa tiệm. Thật ra, việc đóng cửa nguyên một bộ thuộc thẩm quyền quốc hội, do đó việc đóng cửa bộ Giáo Dục liên bang chưa rõ có thực hiện được hay không, nhưng cho dù không đóng cửa trên chính thức được, nhưng trên thực tế, sẽ thấy trách nhiệm của bộ, số lượng nhân viên, ngân sách, tất cả đều giảm xuống tới mức chỉ còn là một thực thể trên giấy tờ thôi. Cái bộ thừa thãi mà chẳng ai hiểu rõ có trách nhiệm gì đóng cửa thật chính đáng.
Đó là nói chuyện tổ chức hành chánh. Trên phương diện nội dung, cải cách giáo dục được TT Trump mang đi xa hơn nhiều. Chính sách vô đạo đức khuyến khích sex cho học sinh từ tiểu học tới trung học sẽ chấm dứt. Chính sách tài trợ bạc tỷ cho các đại học lao đầu vào các chính sách nghiên cứu và áp dụng những nguyên tắc 'thức tỉnh', phải đạo chính trị cấp tiến cáo chung. Ngay cả chính sách tuyển nhận sinh viên và cả thầy giáo cũng sẽ không còn dựa vào những tiêu chuẩn màu da hay giới tính nữa, mà sẽ phải tôn trọng khả năng của sinh viên và giáo chức. Quan trọng hơn cả, vai trò giáo dục con cái không nhiều thì ít cũng được trả lại cho phụ huynh.
Chính quyền hết là công cụ đàn áp đối lập chính trị
Cả khối cấp tiến, từ đảng DC tới truyền thông loa phường hô hoán ầm ĩ TT Trump sẽ độc tài, chấm dứt thể chế dân chủ,... Sự thật, ngay từ đầu, cả nước đã thấy tình trạng tổng thống dùng bộ máy chính quyền, từ bộ Tư Pháp tới các cơ quan FBI, CIA,..., các quan tòa đủ cấp, công tố đủ loại, làm công cụ của chính quyền để đàn áp, bịt miệng, nhục mạ hay thậm chí bắt nhốt đối lập chính trị theo mô thức CS đã cáo chung.
Chế độ cũ -Biden- mất quyền, nhưng quay qua bám vào các quan tòa địa phương cấp quận để ngăn cản TT Trump thi hành chính sách mà dân Mỹ đã mong đợi, đã bầu ông lên để thực hiện, đưa đến tình trạng dị hợm là tất cả các quan tòa cấp xã hay huyện hay phường nào, chẳng ma nào bầu, cũng đều tự cho mình nhiều quyền hơn tổng thống cả nước do dân cả nước bầu. Cái may lớn cho nước Mỹ là trên đầu các quan tòa tép riu cuồng khùng đó vẫn còn Tối Cao Pháp Viện liên bang làm cảnh sát cao nhất.
Thanh giản guồng máy chính quyền
Guồng máy chính quyền Mỹ, với đâu 3 triệu công chức liên bang, phần lớn không có việc gì để làm vì trùng hợp việc làm với đám gần 25 triệu công chức tiểu bang và địa phương, đã nổi tiếng là một guồng máy cồng kềnh, nặng nề, tốn tiền, mà lại vô ích, vô dụng, chỉ giỏi vung tiền qua cửa sổ hay vào túi riêng của các quan lớn, hay đẻ ra những thủ tục hành chánh rườm rà ngăn cản phát triển kinh tế cũng như chặn hết sáng tạo cá nhân.
Điển hình nhất là việc dẹp bỏ bộ Giáo Dục liên bang, là bộ hoàn toàn thừa thãi khi mỗi tiểu bang đều có bộ Giáo Dục riêng của tiểu bang, có Hiến Pháp tiểu bang quy định rõ bộ Giáo Dục tiểu bang có trách nhiệm gì. Cũng chẳng khác gì chuyện Tối Cao Pháp Viện phán phá thai là trách nhiệm của mỗi tiểu bang chứ chính quyền liên bang không có quyền dính dáng gì vào.
Đi xa hơn nữa là việc thanh giản sẽ có hậu quả trên tất cả các bộ, sở, cơ quan của chính quyền liên bang. Số công chức ngồi ngáp ăn bát vàng sẽ bị cắt tối đa cho về nhà tha hồ ngồi ngáp, đặc biệt là các công chức ngồi nhà làm việc qua computer mà chẳng ai kiểm soát được gì, xem họ làm những gì, hay thật sự có làm gì hay không.
Những cơ quan, sở, bộ không có nhu cầu, hay làm sai nhu cầu, sai mục tiêu nguyên thủy, biến thái, đang và sẽ bị giải tán, tiêu biểu là Cơ Quan Viện Trợ USAID đã bị dẹp bỏ, cả tỷ tiền dự án vớ vẩn đã bị cắt bỏ. Cũng tiêu đời là các cơ quan ngôn luận biến thái VOA, RFE, ...
Việc Mỹ tham gia vào các tổ chức quốc tế cũng đang bị xét lại xem việc tham gia đó có cần thiết, có giúp gì cho quyền lợi Mỹ một cách cụ thể hay không. Do đó, sự hiện diện vô bổ vô lợi vô lý mà lại tốn rất nhiều tiền thuế của dân Mỹ trong các tổ chức ngồi ngáp cho có tiếng như WHO, WTO, ... đã chấm dứt.
Trong sáng trong chính quyền
Trong vấn đề thi hành chính sách trong sáng -transparency-, phải nói ngay chưa có chính quyền, tổng thống tiền nhiệm nào so sánh được với chính quyền Trump, bất kể vị tiền nhiệm là của đảng DC hay CH.
Tiêu biểu nhất là việc cho tới nay, chưa có vị tổng thống nào nói chuyện với truyền thông bằng TT Trump, cho họp báo, phỏng vấn và đặt câu hỏi nhiều bằng TT Trump, cho dù truyền thông coi Trump như một thứ ác quỷ độc tài ghê tởm nhật, phải chống chết bỏ. Khác một trời một vực với cụ tiền nhiệm Biden sợ truyền thông hơn sợ 'Ông Ba Mươi', cũng như bà Kamala, suốt ngày lo tránh né truyền thông.
Cái quái lạ nhất là để đối phó với đám truyền thông hắc ám, đầy hận thù và mánh mung cạm bẫy, TT Trump đã chọn một cô phát ngôn viên mà người ta gọi là 'hỷ mũi chưa sạch', mới có 27 tuổi. Thế mà cái cô này đã mạnh tay trị được đám nhà báo, phóng viên hắc ám nhất.
Sự 'trong sáng' chẳng những được TT Trump áp đặt trong chính nội các và cá nhân ông, mà còn đi luôn vào lịch sử khi ông ra lệnh công khai hóa tất cả hồ sơ cho đến nay bị giữ bí mật tuyệt đối về các vụ ám sát TT John Kennedy, ông em Robert Kennedy và cả mục sư Martin Luther King. Thật ra, những hồ sơ này bị giấu nhẹm không phải để bảo vệ mấy ông nạn nhân trên, mà chỉ để giấu nhẹm những sai lầm, vô tài bất cán của đám Nhà Nước Ngầm, của các cơ quan như FBI, CIA, Sở Mật Vụ ,.. đã thất bại không bảo vệ được những người này, cũng như chẳng điều tra được chuyện gì thật sự đã xẩy ra, ai đứng sau lưng những vụ ám sát trên.
Chiến tranh Ukraine thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'
Cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp tục tuy TT Trump đã có nhiều nỗ lực tìm cách cho hai bên Nga và Ukraine nói chuyện với nhau, tìm giải pháp mang lại hòa bình cho Ukraine.
Những người bôi bác Trump vì trên căn bản chỉ cố bới rác tìm chuyện công kích TT Trump, đã không ý thức được tính khó khăn của việc TT Trump đang làm. Chưa ai biết tình hình sẽ biến chuyển như thế nào, nhưng ít ra thì cả thế giới đều thấy có chút 'ánh sáng cuối đường hầm', có một tia hy vọng cho hòa bình, thay vì chỉ thấy Biden sẽ tiếp tục quân viện cho Ukraine tiếp tục đánh nhau vô giới hạn về số lượng quân viện cũng như về thời gian tính. Kết quả cuối cùng của những nỗ lực của TT Trump dĩ nhiên chưa ai thấy, nhưng nếu TT Trump thất bại, thì nạn nhân đầu tiên chính là dân và nước Ukraine, không ai khác.
An Ninh Quốc Gia củng cố
Cách đây cả trăm năm, Mỹ bỏ công, bỏ của, nhân lực ra xây kênh đào Panama để Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thông nhau, giúp Mỹ và cả thế giới thu ngắn lại hành hải giữa hai đại dương, cũng như giúp liên lạc giữa đông Mỹ với tây Mỹ dễ dàng hơn nhiều. Cách đây xấp xỉ 50 năm, anh TT Carter dị hợm, bất thình lình tuyên bố trao trả kênh đào Panama lại cho Panama cho dù khi kênh đào được xây thì cái xứ gọi là Panama đó chưa có trên trái đất này.
Được cái là anh Carter không đến nỗi quá lờ mờ, có ghi rõ điều kiện kênh đào này phải được mở rộng cho tất cả thế giới trong khi không được đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Thế nhưng vì tiền cũng như vì chính sách thiên tả, thân Trung Cộng, chính quyền Panama đã trao cho một công ty quốc doanh Trung Cộng quyền điều hành, tức là kiểm soát 2 hải cảng nằm ở hai đầu kênh. Trong tình trạng bình thường thì ít ra, TC cũng đã nắm được tin tức của các cuộc vận chuyển của chiến hạm hải quân Mỹ qua lại. Trong tình trạng chiến tranh, TC chỉ cần đóng cửa kênh này là bóp ngay yết hầu Mỹ. Đây là quả bom nổ chậm nằm ngay trong cổ họng Mỹ mà lạ lùng thay các chính quyền Mỹ từ mấy chục năm qua ngó lơ hay không dám nhìn thẳng.
TT Trump là người không có một ly kinh nghiệm chính trị hay quân sự, mà lại nhìn thấy rõ hơn ai hết, nhất quyết lôi quả bom này ra khỏi cổ họng Mỹ. Ông khua chiêng trống để rồi đám vẹt hô hoán ầm ĩ Trump có tham vọng đế quốc muốn chiếm đất Panama trong khi lờ mờ không một ly ý thức được đe dọa trên an ninh quốc gia của Mỹ. Kết quả, TT Trump thành công quá dễ và quá nhanh, đám vẹt chưa hét hết câu, câu chuyện đã được giải quyết. Chính quyền Panama rút lại quyền điều hành hai bến tàu ra khỏi công ty quốc doanh Tầu cộng để trao lại cho một công ty Mỹ. Hết chuyện.
Ngày 9/4/2025, Mỹ loan tin ký hiệp ước quốc phòng ới với Panama. Chi tiết dĩ nhiên được giữ bí mật, nhưng không ai nghĩ hiệp ước quốc phòng đó hại Mỹ mà có lợi cho Tầu cộng.
Nhìn chung, trong vòng vỏn vẹn ba tháng, TT Trump đã đưa ra những quyết định có những hậu quả cực kỳ quan trọng cho cả vài thế hệ tới. Báo Mỹ gọi là 'the most consequential president', 'tổng thống để lại dấu ấn lớn nhất'. Dĩ nhiên, những quyết định đó phần lớn chưa hoàn tất vì chỉ là những bước khởi đầu, nhưng hậu quả đổi đời thì không ai không nhìn thấy.
Mặt trái của vấn đề là chưa có gì bảo đảm TT Trump sẽ thành công, đạt được mọi mục đích lâu dài ông muốn. Trước hết, đó là những thay đổi quá lớn với những hậu quả thật lâu dài, chẳng có gì bảo đảm TT Trump và đám phụ tá đã nghĩ thấu đáo mọi khó khăn và đã sẵn sàng mọi cách đối phó. Sau đó, những thay đổi quá lớn đó cũng sẽ có những hậu rất bất lợi cho không ít người, sẽ bị chống mạnh, không kể những đối lập chính trị nhắm mắt chống bất cứ việc gì TT Trump làm. Việc đụng mạnh đến nồi cơm của quá nhiều người tất nhiên sẽ đưa đến những đụng độ mạnh, chống đối còn mạnh hơn nữa.
Ai cũng hiểu thay đổi càng lớn càng có hậu quả nặng và càng bị chống đối dữ, và việc làm càng khó khăn. TT Trump đã chứng tỏ rõ ràng cho tất cả thấy ông là người rất hiếm thấy trong khối chính trị gia: dám nói, dám làm những việc khó khăn nhất. Chưa ai nhìn thấy rõ thành quả cuối cùng, nhưng ít ra thì cho đến nay, không ai có thể chê Trump là người an phận thủ thường, ngồi ôm ngai vàng trên cửu đỉnh, ngáp ngáp chờ ngày về hưu.
Hành trình TT Trump chọn cho mình là hành trình khó khăn nhất. Vài chuyện tương đối dễ như xóa bỏ văn hóa thức tỉnh khùng điên, dẹp bỏ cái bộ Giáo Dục ăn hại, nhưng những phần còn lại đều khó khăn tầy trời như tát cạn đầm lầy Nhà Nước Ngầm, thu hẹp lại Nhà Nước vú em, vẽ lại bản đồ chính trị thế giới, cải đổi hệ thống mậu dịch quốc tế, ... đúng là những chuyện đội đá vá trời, sẽ gặp chống đối cuồng điên từ cả nửa dân trong nước, và cả thế giới ngoài nước. Dấu ấn lịch sử ông để lại sẽ vĩ đại như chưa từng thấy: hoặc là một cuộc cách mạng đổi đời của Mỹ và cả thế giới, hai là một đại nạn cũng đổi đời cho Mỹ và thế giới. Đó chính là việc dân Mỹ đã muốn khi họ bầu ông Trump làm tổng thống và bác bỏ cụ già lẩm cẩm ngồi chờ ngày vào cõi thiên thu.