Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đến Washington cùng với kế hoạch đề xướng khai thác khoáng sản đổi lấy bảo đảm an ninh của Mỹ. Trong ảnh, ông Zelenskyy gặp ông Donald Trump, khi ấy đang là ứng cứ viên tổng thống, tại cao ốc Trump Tower, ngày 27/09/2024, tại New York. AP - Julia Demaree Nikhinson

 

 

 

Ngày 30/04/2025, tại Washington, đại diện Ukraine và Mỹ ký thỏa thuận hợp tác « thành lập một quỹ đầu tư chung », thu hút đầu tư quốc tế cho các dự án khai thác khoáng sản và dầu khí, với mục tiêu sau cùng là giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh. Thỏa thuận vừa đạt được có phải là một thắng lợi lớn với Ukraine?

 

Về chủ đề này, báo Le Monde có bài tổng thuật « Tại Ukraine, thỏa thuận khai thác khoáng sản chung với Mỹ được nhìn nhận như một thỏa hiệp ít tồi tệ nhất cho Ukraine » của thông tín viên Thomas d’Istria gửi về từ Kyiv (Kiev).

 

Le Monde nhấn mạnh trước hết đến việc thỏa thuận này đã không đề cập đến việc « bảo đảm an ninh », một yêu cầu mà tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy liên tục đưa ra. Tuy nhiên, với việc ký kết thỏa thuận này, đất nước Ukraine đang trong chiến tranh hy vọng « viễn cảnh các lợi ích về tài chính trong tương lai » dành cho nước Mỹ sẽ khiến Kyiv duy trì được « mối quan hệ ưu đãi » với Washington.

 

Phải mất nhiều tháng đàm phán rất căng thẳng, Washington và Kyiv mới có thể thống nhất được với nhau về một « quan hệ đối tác kinh tế » để tiến hành việc khai thác chung tài nguyên thiên nhiên tại Ukraine. Thỏa thuận liên chính phủ, được bộ trưởng Kinh tế Ukraine, Yulia Svyrydenko, và bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, ký ngày 30/4, quy định việc thành lập một quỹ đầu tư và tái thiết, với sự tham gia bình đẳng giữa hai nước.

 

 

Kyiv đã «nỗ lực tối đa »

 

Trong lúc thỏa thuận còn phải được Quốc hội Ukraine chấp thuận, ngày 1/05, tổng thống Ukraine khẳng định « thỏa thuận này đã thay đổi đáng kể trong quá trình chuẩn bị. Văn bản thỏa thuận hiện nay là thực sự công bằng, tạo ra các cơ hội đầu tư đáng kể tại Ukraine ».

 

Le Monde ghi nhận, thỏa thuận này đang được hầu hết các chính trị gia và chuyên gia Ukraine đón nhận với thái độ lạc quan và thận trọng. « Lạc quan » bởi trên hết văn bản này có lợi hơn nhiều cho Ukraine so với các phiên bản trước đó, vốn đã gây phẫn nộ cho người dân đất nước bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt với điều khoản như khoáng sản khai thác tại Ukraine sẽ được dùng để hoàn trả số tiền vũ khí Mỹ viện trợ cho Ukraine, mà tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng lên đến hàng trăm tỉ đô-la. Điều khoản dùng tài nguyên khoáng sản để trả nợ vũ khí có mặt trong nhiều văn bản dự thảo thỏa thuận, liên tục bị Kyiv phản đối, để rồi rút cục không có mặt trong thỏa thuận ký kết ngày 30/04 vừa qua.

 

Trả lời Le Monde qua điện thoại vào hôm 01/05, bà Olena Pavlenko, giám đốc trung tâm tư vấn chuyên về năng lượng DiXi Group của Ukraine, nhận định: « Phía chúng tôi đã làm tốt nhất có thể, nếu xét đến mọi căng thẳng xung quanh thỏa thuận này ». Ông Oleksandr Merezhko, người đứng đầu ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine thuộc đảng của tổng thống, chia sẻ với quan điểm này. Ông nói: « Nhận định như vậy là khá khớp với thực tế, bởi tình hình đã có thể còn tệ hơn ».

 

 

Thỏa thuận có thể « chứa nhiều cạm bẫy »

 

Trong chính giới Ukraine, nhiều người tỏ ra hoài nghi hơn nhiều về thỏa thuận vừa ký với Mỹ. Về phía đối lập Ukraine, dân biểu Volodymyr Ariev thì cảm thấy bất bình vì các nghị sĩ đã « không được tham vấn trong quá trình diễn ra các đàm phán rất nhạy cảm này », và hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Theo chuyên gia phân tích trung tâm tư vấn về năng lượng của Ukraine, DiXi Group, phiên bản được công bố ngày hôm nay « để ngỏ nhiều kịch bản ». Theo vị chuyên gia này, « đây có thể là một thỏa thuận rất tốt như bộ trưởng Kinh tế Svyrydenko mô tả, nhưng cũng có thể có những cạm bẫy. »

 

Chủ tịch ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine, ông Oleksandr Merezhko, cũng thừa nhận « những bất lợi lớn có thể nằm trong các chi tiết, nhưng vấn đề là hiện giờ chúng tôi chưa có trong tay các tài liệu khác ». Hiện tại các nghị sĩ Ukraine đang chờ đợi được xem thỏa thuận giữa các cơ quan do mỗi quốc gia chỉ định để quản lý quỹ đầu tư chung, và tiếp theo đó là một tài liệu kỹ thuật giải thích về quy trình vận hành của quỹ và cách thức phân bổ tiền cho các đối tác.

 

 

Thị trường khai thác tài nguyên: Hạn chế quyền của Kyiv và nguy cơ « cạnh tranh bất bình đẳng »

 

Ngoài việc nghi ngờ về một nội dung của thỏa thuận, chuyên gia Olena Pavlenko cũng lên án « vị thế thống trị của Hoa Kỳ » trong đối tác này, và nguy cơ cạnh tranh bất bình đẳng trong thị trường khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.

 

Nghị sĩ đối lập Yaroslav Zhelezniak, người thường xuyên theo dõi và bình luận về vấn đề này thông qua kênh Telegram cá nhân, nêu bật một số rủi ro mà ông tin rằng có thể giới hạn quyền kiểm soát của Ukraine với các tài nguyên quốc gia, và các đặc quyền của Quỹ chung với Mỹ » « có thể hạn chế một cách đáng kể quyền hạn của chính quyền Ukraine trong việc lựa chọn các điều kiện thương mại và các đối tác phù hợp nhất ». Nhiều chuyên gia lo ngại việc hợp tác giữa Âu châu và Ukraine và khai thác khoáng sản, cho phép Kyiv hội nhập với Liên Âu, có thể bị thỏa thuận với Mỹ cản trở (có thể tham khảo thêm : Accord sur les minerais : Trump a-t-il évincé l’UE de l’Ukraine ?Thỏa thuận khoáng sản : Trump đã gạt Liên Âu khỏi Ukraine?, tuần báo Le Point, ngày 01/05/2025). Dân biểu Yaroslav Zhelezniak cảnh báo rằng bản thân luật pháp của Ukraine phải sửa đổi để phù hợp với các quy định của Quy đầu tư chung với Mỹ, cụ thể là một số nội dung của Luật về thuế và ngân sách của Ukraine.

 

 

Không có được bảo đảm an ninh: Điều gây thất vọng lớn nhất

 

Nhìn chung, theo Le Monde, điểm gây thất vọng lớn nhất của thỏa thuận này nằm ở chỗ đã không có bất kỳ bảo đảm an ninh nào sau khi chiến tranh kết thúc, điều mà tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cố gắng đưa ra như một điều kiện chủ yếu để đổi lấy việc Mỹ có được các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này. Washington chưa bao giờ đồng tình về ý tưởng này, và cho rằng trách nhiệm này thuộc về Âu châu và các khoản đầu tư của Mỹ vào quốc gia này tự thân đã mang lại một bảo đảm giúp Ukraine chống lại đe dọa xâm lược của Nga trong tương lai.

 

Bất luận thế nào trong hiện tại, đông đảo chính giới Ukraine vẫn coi đây là thỏa thuận ít tồi tệ nhất cho Ukraine. Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Ukraine, Oleksandr Merezhko, hy vọng rằng việc ký kết văn bản này sẽ giúp củng cố sự ủng hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Ukraine vào một thời điểm then chốt của cuộc kháng chiến chống Nga.

 

 

« Dấu hiệu tích cực mới »: Lần đầu Trump cho phép bán võ khí cho Ukraine

 

Một dấu hiệu được coi là « tín hiệu tích cực mới » từ Washington trong bối cảnh hai bên đạt được thỏa thuận, theo chủ tịch ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Ukraine, chính quyền Trump vừa thông báo với Quốc Hội Mỹ sẽ chuẩn bị cho phép bán « các mặt hàng quốc phòng » trị giá 50 triệu đô-la trở lên cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tổng thống đảng Cộng hòa nhậm chức vào tháng 1/2025, chính quyền Mỹ đưa ra quyết định này.

 

Theo chủ tịch ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Ukraine, Trump đã có được mà điều ông ấy muốn, Mỹ và Ukraine đã có được một thỏa thuận thương mại, « mà về cơ bản là một thỏa thuận chính trị giữa Ukraine và Donald Trump ». 

 

 

(Nguồn RFI)