Ảnh minh họa: Một mỏ khoáng sản của Ukraine. AP - Efrem Lukatsky
Kyiv và Washington cuối cùng đã đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ khai thác khoáng sản, dầu hỏa và khí đốt của Ukraine. Sau nhiều vòng đàm phán gay go, hôm 30/04/2025, tại Washington, bộ trưởng kinh tế Ukraine, Yulia Svyrydenko, và bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Scott Bessent, đã ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế « thành lập một quỹ đầu tư chung », thu hút đầu tư quốc tế cho các dự án khai thác khoáng sản và dầu khí. Mục tiêu sau cùng là giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh.
Trên cương vị chủ nhà, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Bessent nói đến « một thỏa thuận lịch sử trong quan hệ đối tác kinh tế » song phương. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại từ nhiều tháng qua, tổng thống Donald Trump vẫn đòi Kyiv mở cửa cho Hoa Kỳ khai thác đất hiếm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine để « hoàn trả » các khoản viện trợ quân sự mà Washington đã cấp cho quốc gia Âu châu này từ năm 2022 khi bị Nga xâm lược. Mỹ đã gây sức ép rất mạnh với chính quyền của tổng thống Zelenskyy.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, thỏa thuận song phương vừa đạt được không quá bất lợi cho phía Ukraine. Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington giải thích:
« Lần này không có gì gây trở ngại vào phút chót như trong cuộc đấu khẩu với Volodymyr Zelenskyy cuối tháng Hai vừa qua tại Tòa Bạch Ốc. Hai nước cam kết là mỗi bên sẽ đóng góp 50% vào quỹ chung để tái thiết Ukraine. Như vậy là Mỹ sẽ được quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản và năng lượng của Ukraine.
Quỹ này được thiết lập dựa trên các khoản đầu tư mới, những nhượng quyền khai thác mới và hoàn toàn không bao gồm những dự án đã có. Tuy nhiên, văn bản không nêu vấn đề hoàn trả viện trợ mà Mỹ đã cấp cho Ukraine từ năm 2022. Thỏa thuận cũng không ngăn cản Kyiv đệ đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Quỹ đầu tư chung Mỹ-Ukraine nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhất những đòi hỏi về minh bạch trong việc quản lý các khoản đầu tư. Đây là một điểm quan trọng đối với đảng Cộng Hòa, do Mỹ thường xuyên cáo buộc Ukraine bị tham nhũng lũng đoạn.
Tuy nhiên, thỏa thuận vừa đạt được không đưa ra những bảo đảm về an ninh cho Ukraine. Dù vậy, bộ Tài Chính Mỹ nhấn mạnh chính quyền Trump vẫn chủ trương một tiến trình hòa bình trên cơ sở một nước Ukraine tự do, tự chủ và thịnh vượng lâu dài.
Đây là một thông điệp trực tiếp nhắm đến Moscow. Trong những ngày qua, Donald Trump đã nhiều lần tỏ bực mình khi thấy hỏa tiễn Nga tiếp tục rơi xuống các thành phố của Ukraine. »
Liên Âu chuẩn bị cho khả năng Mỹ thay đổi lập trường về cuộc chiến Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn với báo Anh Financial Times, được Le Monde trích dẫn ngày 30/04, lãnh đạo ngành ngoại giao Âu Châu Kaja Kallas cho biết Liên Hiệp Âu Châu (EU) đang chuẩn bị cho khả năng Hoa Kỳ thay đổi lập trường trong cuộc chiến tại Ukraine.
Theo bà Kallas, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump có thể từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình và tìm cách xích lại gần Nga. Một số nước Âu châu cũng đang cân nhắc nối gót Washington, với hy vọng không phải tiếp tục hỗ trợ Kyiv và nối lại quan hệ với Moscow. Tuy nhiên, theo bà Kallas, đó là một ảo tưởng vì Nga hiện đang chi hơn 9% GDP cho quân sự và vẫn là một mối đe dọa thực sự.
Ngoài ra, Liên Âu cũng đang lên kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ. Tổng cộng 16 quốc gia thành viên đã chính thức đề nghị được tạm thời miễn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về ngân sách nhằm gia tăng chi tiêu quân sự. Đề nghị này được đưa ra sau khi Ủy Ban Âu Châu công bố một Sách trắng vào tháng Tư, khuyến nghị các nước có thể chi đến 1,5% GDP cho quốc phòng mỗi năm và trong vòng 4 năm mà không bị xử phạt vì vượt mức giới hạn về thâm hụt ngân sách.
Trong số 16 quốc gia, có 12 nước đã chính thức nộp đơn xin miễn trừ và 4 nước khác cam kết sẽ tham gia. Mục tiêu của Liên Âu là huy động tới 650 tỷ euro từ nay đến năm 2030 để tái vũ trang Âu châu. Chi tiêu quốc phòng của toàn khối đã tăng hơn 31% kể từ năm 2021, đạt 326 tỷ euro vào năm 2024. Tuy vậy, chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, vẫn cho rằng mức tăng này là chưa đủ để đối phó với các mối đe dọa hiện nay.
(Nguồn: RFI)