Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trên màn hình vô tuyến tại thị trường chứng khoán Frankfurt, Đức, ngày 03/04/2025. AP - Michael Probst

 

 

THẾ GIỚI - Do tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ vẻ dứt khoát không thay đổi mức quan thuế rất nặng đánh vào nhiều nước, các thị trường chứng khoán từ Á châu đến Âu châu hôm nay, 07/04/2025, lại sụt giảm mạnh.

 

Hôm thứ bảy tuần qua, 05/04, mức quan thuế “đối xứng” 10% mà tổng thống Trump áp dụng đối với toàn bộ hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ đã bắt đầu có hiệu lực. Các mức thuế nặng hơn, áp dụng đối với một số nước, trong đó có Việt Nam (46%) thì sẽ có hiệu lực kể từ ngày 09/04.

 

Trên mạng xã hội Truth Social của ông hôm qua, Donald Trump vẫn khẳng định: “Chúng ta bị thâm thủng mậu dịch rất lớn với Trung Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và nhiều nước khác. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là áp quan thuế, để đem lại hàng chục tỷ đô-la cho Hoa Kỳ”. Tổng thống Trump còn cho biết trong cuối tuần qua đã thảo luận với nhiều nước Âu châu, Á châu, tất cả đều rất muốn đạt được thỏa thuận. Theo lời bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent trên đài NBC, hơn 50 quốc gia đã tỏ ý muốn đàm phán với Hoa Kỳ để được giảm quan thuế.

 

Thái độ dứt khoát của tổng thống Trump đã khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới tiếp tục hoảng loạn. Chỉ số của các thị trường từ Tokyo, Thượng Hải, Seoul cho đến Đài Loan đều sụt điểm mạnh. Riêng tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng hôm nay đã sụt giảm đến hơn 12%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Các thị trường chứng khoán Âu châu hôm nay cũng đã sụt giảm mạnh vào giờ mở cửa, với chỉ số của thị trường Frankfurt mất đến 7,86%, Paris mất 6,19% và Luân Đôn mất 5,83%...

 

Xu hướng sụt giảm cũng được dự đoán là sẽ tiếp diễn trên các thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ hôm nay. Trong khi đó, giá dầu hỏa cũng tiếp tục giảm. Cụ thể là giá một thùng dầu Mỹ WTI hôm nay đã sụt xuống dưới mức 60 đôla lần đầu tiên kể từ tháng 04/2021.

 

Theo các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Đức Deutsche Bank, được hãng tin AFP trích dẫn, “không hề quá đáng” khi mô tả những biến động hiện nay của các thị trường là “lịch sử”.

 

 

Việt Nam đề nghị Mỹ hoãn áp thuế “đối xứng” trong ít nhất 45 ngày

 

Hà Nội đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn ít nhất 45 ngày việc áp mức thuế “đối xứng” 46% đối với hàng nhập cảng từ Việt Nam, vào lúc nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. 

 

Trong một bức thư gởi cho Donald Trump, mà hãng tin AFP tham khảo được, tổng bí thư đảng Cộng Sản Tô Lâm đã đề nghị tổng thống Mỹ tạm hoãn việc áp thuế đối với Việt Nam trong “ít nhất 45 ngày”. Trong thư, ông Tô Lâm cho biết đã chỉ định phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, là quan chức phục trách việc thương thuyết với phía Hoa Kỳ về vấn đề này, “với mục tiêu đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể”. 

Lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam cũng hy vọng sẽ gặp tổng thống Trump tại Washington vào cuối tháng 5 để hoàn tất thỏa thuận. 

 

Trước đó, theo tin báo chí trong nước, tối thứ sáu tuần trước, ông Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump trong đó lãnh đạo Việt Nam tuyên bố sẵn sàng giảm thuế nhập cảng xuống còn 0% đối với hàng hóa từ Hoa Kỳ.  

 

Ông Trump đánh thuế nặng như vậy vì cho rằng Việt Nam đang áp thuế 90% đối với Hoa Kỳ, một con số dựa trên thặng dư thương mại 123,5 tỷ đô-la của Việt Nam với Hoa Kỳ vào năm ngoái. Mức thuế nói trên sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ thứ tư tuần này, 09/04, đe dọa nặng nề lên nền kinh tế Việt Nam, vào lúc mà theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1/2025 chỉ đạt 6,93%, thấp hơn một chút so với mức 7,55% cùng kỳ năm ngoái. 

 

Hãng tin AFP hôm nay trích dẫn Sayaka Shiba, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu BMI, nhận định quan thuế của Hoa Kỳ có nguy cơ “gây tổn hại đáng kể” đến mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất cảng sang Hoa Kỳ. Bà cho biết trong trường hợp xấu nhất, mức quan thuế nặng nề đó có thể khiến Việt Nam mất 3 điểm GDP trong năm nay. 

 

Các chuyên gia tin rằng mức thuế mới sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các ngành như hải sản, quần áo, giày dép, gỗ, điện tử và điện thoại thông minh. Trả lời AFP, ông Phạm Văn Đại, giáo sư kinh tế tại Đại học Fulbright Việt Nam, dự đoán đối với các công ty lớn của Hoa Kỳ có nhà máy tại Việt Nam, như Nike và Adidas, ​​lượng đơn đặt sẽ hàng giảm và doanh thu cũng giảm theo, có thể buộc những công ty này thu hẹp quy mô của các nhà máy và khiến nhiều người mất việc.

 

 

Liên Âu họp bàn đối phó

 

Hôm nay, 07/04, các ngoại trưởng của khối 27 nước họp tại Luxembourg vài ngày sau khi Hoa Kỳ quyết định đánh thêm thuế vào hàng hóa nhập cảng. Các lãnh đạo ngoại giao Âu châu sẽ thảo luận về quan hệ kinh tế giữa Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ, cũng như là với Trung Quốc, để đưa ra câu trả lời về cuộc chiến quan thuế do Donald Trump khởi xướng.

 

 

Từ Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota tường trình:

Thứ trưởng bộ Thương Mại Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác giữa Bắc Kinh và Bruxelles. Trung Quốc thậm chí còn nói về một phản ứng có phối hợp nhằm đối phó với các quy định quan thuế mới của Hoa Kỳ. Mức thuế có thể lên đến 54 % đối với các sản phẩm Trung Quốc nhập vào Hoa Kỳ, và 20 % đối với hàng hóa nhập từ Âu châu. 

 

Liệu Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu có bắt tay nhau để tạo nên sự ổn định cho thương mại toàn cầu? Điều này có vẻ khó khăn do cuộc chiến thương mại về xe điện giữa Bắc Kinh và Bruxelles. Vào tháng 10 năm ngoái, Liên Âu đã quyết định đánh thuế 35 % vào xe điện Trung Quốc được cho là nhận tài trợ từ Bắc Kinh một cách không công bằng. Trung Quốc đã khiếu nại lên Tổ chức Kinh tế Thế giới về vụ việc này. 

 

Hôm nay, Liên Hiệp Âu Châu họp tại Bruxelles và quyết định sẽ có thái độ như thế nào, trong lúc mà các thông điệp do Mỹ đưa ra dường như không rõ ràng. 

 

Tỷ phú Hoa Kỳ Elon Musk, thành viên trong chính quyền của Trump, hôm thứ Bảy, đã tuyên bố ủng hộ một khu vực tự do thương mại giữa Âu châu và Bắc Mỹ, với quan thuế bằng 0. 

 

Trả lời đài phát thanh Pháp France Inter sáng nay, phó chủ tịch phụ trách chiến lược công nghiệp của Ủy ban Âu Châu, Stéphane Séjourné, nêu ra khả năng Liên Âu có thể đáp trả các biện pháp quan thuế của Hoa Kỳ bằng việc không cho các công ty Mỹ tham gia đấu thầu các dự án công của Âu châu. “Đây là một biện pháp kinh tế mạnh tay, nhưng là một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận”.

 

 

 

(Theo RFI)