Nếu Việt Nam không thể đàm phán khiến Mỹ giảm mức thuế 46%, "hậu quả có thể rất tàn khốc". Ảnh: Getty Images/BBC

 

 

HOA KỲ - Cố vấn Thương mại Tòa Bạc Ốc, là ông Peter Navarro, vừa nói rằng đề nghị của Việt Nam về việc xóa bỏ quan thuế đối với hàng nhập cảng từ Mỹ sẽ không đủ để chính quyền Mỹ dỡ bỏ các mức thuế mới vừa được công bố vào tuần trước. Trong khi đó, Việt Nam tuyên bố sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm các sản phẩm quốc phòng và an ninh.

 

Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC của Mỹ tối 7/4 giờ Việt Nam, ông Navarro đã nói:

 

"Lấy Việt Nam làm ví dụ. Khi họ đến và nói 'chúng tôi sẽ đưa thuế suất về 0%', điều đó không có ý nghĩa gì với chúng tôi vì vấn đề nằm ở các hình thức gian lận phi quan thuế."

 

Những ví dụ về hành vi "gian lận" phi quan thuế mà ông Navarro nêu ra gồm: hàng hóa Trung Quốc được chuyển hướng qua Việt Nam, hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và thuế giá trị gia tăng (thuế V.A.T).

 

Sau đó cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Navarro điều chỉnh lại phát biểu của mình, nói rằng đề nghị xoá bỏ quan thuế có thể được xem là một "bước khởi đầu nhỏ."

 

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 6/4, ông Navarro đã nói rằng "về cơ bản thì Việt Nam là một thuộc địa của Trung Quốc cộng sản".

 

Ông nói, "Trung Quốc dùng Việt Nam làm điểm trung chuyển để né thuế.”

 

Các bình luận trên của ông Navarro được đưa ra vài ngày sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để nói về mức thuế 46% Mỹ mới công bố sẽ áp lên Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đã yêu cầu Mỹ hoãn áp mức thuế mới ít nhất là 45 ngày để đàm phán. Thời điểm áp thuế dự kiến của Mỹ là ngày 9/4.

 

Đưa tin về cuộc điện đàm, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Tô Lâm lúc ấy đã nói rằng Việt Nam sẵn sàng giảm thuế hàng Mỹ về 0%, và "đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam". Trong khi đó, ông Trump mô tả cuộc điện đàm là "rất thành công".

 

 

 

Bài học cơ bản mà Tòa Bạch Ốc rút ra từ lịch sử ấy là: quan thuế cao đã tạo nên nước Mỹ, đã khiến nước Mỹ "vĩ đại" ngay từ đầu. Ảnh: Reuters

 

 

 

Mua các sản phẩm quốc phòng và an ninh của Mỹ

 

Cũng trong tối 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ mua thêm hàng hóa của Mỹ, bao gồm cả các sản phẩm quốc phòng và an ninh, đồng thời đã đề nghị hoãn 45 ngày việc áp thuế của Mỹ.

Về lĩnh vực quốc phòng, kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ vào năm 2016, xuất cảng quốc phòng của Mỹ sang Việt Nam chủ yếu giới hạn ở tàu tuần tra và máy bay huấn luyện.

 

Cũng có thông tin về việc Việt Nam mua từ Mỹ máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130 Hercules và chiến đấu cơ F-16. Tuy nhiên, cho tới nay, các thương vụ này vẫn chưa rõ tiến triển đến đâu.

 

Ngoài ra, ông Chính cũng cho biết Việt Nam sẽ tìm cách đẩy nhanh tiến độ giao các máy bay thương mại mà các hãng hàng không Việt Nam đã đặt mua từ Mỹ.

 

Theo một lịch trình nội bộ mà hãng tin Reuters xem được, hãng hàng không giá rẻ VietJet của Việt Nam sẽ ký một thỏa thuận tài chính trị giá 200 triệu đô-la Mỹ với đối tác của quỹ đầu tư KKR tại một cuộc họp ở Washington vào tuần này với sự tham dự của hãng sản xuất máy bay Boeing.

 

Tài liệu này nói rằng thỏa thuận tài chính trên là để hỗ trợ việc mua máy bay. Tại sự kiện này, các giám đốc điều hành của VietJet sẽ gặp đại diện của Boeing để thảo luận về hợp tác và "khẳng định cam kết mở rộng quan hệ chiến lược".

 

Hiện chưa rõ liệu thỏa thuận tài chính này, nếu được hiện thực hóa, nhằm hỗ trợ việc thực hiện một đơn hàng mới tiềm năng hay là để Vietjet đặt cọc cho các hợp đồng mua bán hiện có.

Reuters dẫn thông tin từ một người có liên quan trực tiếp đến các cuộc thảo luận cho biết rằng VietJet đang xem xét việc đặt mua 20 máy bay Boeing 787.

 

Trước đây, VietJet từng đồng ý mua 200 máy bay Boeing 737 MAX theo một thỏa thuận được ký lần đầu vào năm 2016, và sau đó đã được điều chỉnh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chiếc máy bay nào được bàn giao.

 

Ngoài làm ăn với phía Mỹ, VietJet cũng đang hợp tác với Trung Quốc. Theo một tuyên bố VietJet mà Reuters xem được, hãng hàng không này lần đầu tiên sẽ khai thác máy bay COMAC ARJ21-700 do Trung Quốc sản xuất, còn được gọi là C909, cho các tuyến bay nội địa từ giữa tháng Tư.

 

Máy bay C909 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

 

 

Theo kế hoạch dự kiến, ngày 6/4 là thời điểm Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đi Mỹ để đàm phán lại đòn thuế 46% mà chính quyền ông Trump vừa giáng lên nhiều mặt hàng xuất cảng chủ lực của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, tới 12 giờ trưa ngày 8/4 giờ Việt Nam, báo chí Việt Nam chưa đưa tin về chuyến thăm này.

 

Nếu Việt Nam không thể đàm phán khiến Mỹ giảm mức thuế 46%, "hậu quả có thể rất tàn khốc", theo một bài viết đăng ngày 7/4 trên tờ The Economist của Anh.

 

Bài viết này dẫn một nghiên cứu của công ty tư vấn Oxford Economics về tác động của mức thuế đối với Việt Nam trong kịch bản "tích cực nhất". Oxford Economics uớc tính rằng đến năm 2026, sản lượng xuất cảng của Việt Nam sẽ giảm 3,5% so với mức cơ sở trước quan thuế. Điều này tương đương với việc giảm một nửa tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.

 

Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 của Việt Nam cũng đang bị đe dọa.

 

Tuy nhiên, kể cả khi một thỏa thuận sớm không được đưa ra, Việt Nam cũng không nên quá bi quan, theo The Economist.

 

Bài viết này cho rằng các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài khó có khả năng rút lui ngay lập tức. Các dự án của họ có chi phí cố định cao, sẽ cần nhiều năm để di dời và sẽ không bị bỏ lại cho đến khi có sự rõ ràng về các điểm đến thay thế khả thi. Đây là một quá trình mà có thể sẽ bị kéo dài bởi sự hỗn loạn của ông Trump.

 

Mặt khác, nếu tác động mạnh vào tăng trưởng dựa vào xuất cảng của Việt Nam, có khả năng giá trị đồng VND sẽ giảm sút. Điều này sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất cảng của Việt Nam trên các thị trường khác, chẳng hạn như ở Âu châu.

 

 

Việt Nam cũng đã cho phép Starlink hoạt động. Các cuộc đàm phán để Starlink có một điều kiện sở hữu thuận lợi hơn ở Việt Nam đã diễn ra trước ''Ngày Giải phóng'' 2/4 và được đánh giá là một cách Việt Nam xoa dịu Mỹ.

 

Nguồn tin của Reuters cũng cho biết rằng Starlink đang chuẩn bị thiết lập một trạm mặt đất tại Việt Nam cho hệ thống vệ tinh Starlink và có kế hoạch xây dựng thêm nhiều trạm khác.

 

Starlink từng khai triển thử nghiệm miễn phí dịch vụ tại Việt Nam có khả năng giúp lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam điều khiển máy bay không người lái (drone) ở Biển Đông. Tuy nhiên, dịch vụ này sau đó bị tạm ngừng khi các cuộc đàm phán về quyền sở hữu bị đình trệ vào cuối năm 2023.

 

Trong bối cảnh việc xoa dịu dường như chưa đủ và Việt Nam có ý định mua thêm hàng hóa quốc phòng, việc Starlink có tiếp tục cung cấp dịch vụ trên hay không vẫn còn là một dấu hỏi.

 

 

Không nhập sản phẩm từ nước thứ ba để đưa qua Mỹ

 

Vào ngày 7/4, khi phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra yêu cầu đẩy mạnh việc chống gian lận thương mại, đặc biệt là chống nhập cảng hàng hóa từ nước thứ ba để xuất cảng sang Mỹ.

 

"Nước thứ ba" đáng chú ý nhất có lẽ là Trung Quốc. Phía Mỹ lo ngại rằng Việt Nam là nơi trung chuyển hàng cho Trung Quốc - hàng hóa Trung Quốc đi qua Việt Nam trên đường đến các quốc gia khác.

 

Theo một bài viết đăng ngày 25/3 trên trang web của Học Viện nghiên cứu Lowy (Úc), hai chuyên gia nghiên cứu Roland Rajah và Ahmed Albayrak cho rằng Việt Nam không nên bị xem là "cửa sau" của Trung Quốc mà nên được coi là một lựa chọn hữu ích để Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

 

Ông Rajah và Albayrak dẫn số liệu do Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) tổng hợp để cho thấy có tới 30% hàng nhập cảng của Việt Nam từ Trung Quốc do chính người Việt Nam tiêu thụ. Họ cũng chỉ ra rằng một lượng lớn hàng hóa mà Việt Nam nhập từ Trung Quốc không hoàn toàn được sản xuất ở Trung Quốc.

 

Tỷ lệ hàm lượng Trung Quốc đã tăng đáng kể, chiếm 28% hàng xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ vào năm 2022, tăng từ 9% vào năm 2018. Tuy vậy, theo hai chuyên gia nghiên cứu này, hơn 70% hàng xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ đến từ các nguồn không phải Trung Quốc – bao gồm giá trị được sản xuất tại chính Việt Nam và các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

 

Việc cân bằng giữa hai quốc gia này là một bài toán quan trọng Việt Nam cần phải giải. Trong khi Mỹ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, thì Trung Quốc lại là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn một phần ba lượng hàng nhập cảng, theo số liệu chính thức mới nhất.

 

Trong khi đó, cuộc chiến quan thuế giữa hai siêu cường này đang đến hồi căng thẳng. Trung Quốc vừa tuyên bố trả đũa Mỹ khi nước này áp dụng 34% đối với hàng Mỹ.

 

Lập tức, ông Donald Trump đe dọa áp thêm thuế 50% nếu Bắc Kinh không rút lại thuế trả đũa. Trung Quốc cũng đã phản ứng mạnh mẽ với tuyên bố của tổng thống Mỹ.

 

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ không bao giờ chấp nhận động thái "tống tiền của Mỹ" và thề "chiến đấu đến cùng".

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp các quan chức Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 14/4 trong một chuyến công du ở ba nước Á châu.

 

Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm nay, vào thời điểm Bắc Kinh đang thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước láng giềng, nhằm thể hiện mình là một đối tác khu vực đáng tin cậy và có trách nhiệm.

 

 

(Theo BBC)