Nguồn: Colin H. Kahl và Jim Mitre, “The Real AI Race,” Foreign Affairs, 09/07/2025

 

 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

 

Mỹ cần nhiều hơn sự đổi mới để có thể cạnh tranh với Trung Quốc.

 

 

Các cuộc thảo luận ở Washington về trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng chuyển hướng sang việc làm thế nào Mỹ có thể giành chiến thắng trong cuộc đua AI với Trung Quốc. Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sau khi trở lại nắm quyền là ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố cần phải “duy trì và nâng cao sự thống trị AI toàn cầu của Mỹ.” Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động AI Paris vào tháng Hai, Phó Tổng thống J.D. Vance đã nhấn mạnh cam kết của chánh quyền trong việc bảo đảm “công nghệ AI của Mỹ tiếp tục là tiêu chuẩn vàng trên toàn thế giới.” Sang tháng Năm, David Sacks, chuyên gia AI và tiền điện tử của Trump, đã viện dẫn nhu cầu “chiến thắng trong cuộc đua AI” để biện minh cho việc xuất cảng chip AI tiên tiến sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi.

 

Xét đến triển vọng AI có thể thay đổi quyền lực và sự thịnh vượng của các quốc gia trong những thập niên tới, giành chiến thắng trong cuộc đua sẽ tốt hơn là thua. Nhưng việc xác định ai dẫn trước lại phụ thuộc vào ý nghĩa của chiến thắng. Một định nghĩa chiến thắng phổ biến là trở thành người đầu tiên vượt qua ngưỡng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) – về cơ bản là một mô hình AI thông minh bằng, hoặc hơn các chuyên gia con người hàng đầu trong nhiều nhiệm vụ nhận thức. AGI có thể mở ra những đột phá phi thường trong khoa học, công nghệ, và năng suất kinh tế – và quốc gia đầu tiên phát triển nó có thể gặt hái những lợi ích cực lớn.

 

Nhưng cuộc đua AGI không phải là cuộc đua quan trọng duy nhất trong cuộc đua AI. Quân đội và các cơ quan tình báo cũng phải khai thác tiềm năng chuyển đổi của AI và giảm thiểu những tác động gây gián đoạn của nó. Tương tự, các quốc gia sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh nếu họ có thể ứng dụng AI trên quy mô lớn trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Các chính phủ cũng đang nỗ lực để xây dựng và sở hữu các tiêu chuẩn, chuỗi cung ứng, và hạ tầng cơ sở sẽ làm nền tảng cho hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Và tất cả phải tránh một cuộc chạy đua xuống đáy về an toàn AI bằng cách làm việc – đôi khi là làm việc cùng nhau – để quản lý rủi ro an ninh từ AI bị lạm dụng hoặc hoạt động sai lệch.

 

Khi tính đến các cuộc đua AI gia tăng này, vị thế của Mỹ dần trở nên bấp bênh. Dù các công ty Mỹ vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI tiên phong, nhưng khoảng cách đang bị thu hẹp, và Washington hoàn toàn có thể thua trong các cuộc đua AI khác. Trung Quốc sở hữu những lợi thế đáng kể, và cả hai siêu cường dường như đều không muốn hợp tác để tránh thảm họa. Xét đến tiềm năng thay đổi thế giới của AI, những rủi ro là rất lớn: việc thua cuộc có nguy cơ đẩy Mỹ rơi vào tình trạng phụ thuộc kinh tế, dễ bị tổn thương về quân sự, và suy giảm vị thế lãnh đạo toàn cầu. Tương lai ảm đạm đó vẫn có thể tránh được. Nhưng Mỹ sẽ cần xây dựng một chiến lược AI mạch lạc, cân bằng giữa đổi mới, tích hợp, và giảm thiểu rủi ro, để biến động lực công nghệ lớn của đất nước thành lợi thế chiến lược lâu dài.

 

 

CUỘC ĐUA ĐỔI MỚI

 

Cuộc đua AGI là cuộc đua rõ ràng và cấp bách nhất trong các cuộc đua AI. Các công ty tư nhân như OpenAI, Anthropic, và Google DeepMind ở Mỹ cũng như DeepSeek ở Trung Quốc đều đang ráo riết đổi mới, với sự hỗ trợ của chính phủ mỗi nước. Không ai biết chính xác công nghệ sẽ phát triển như thế nào. Các mô hình ngôn ngữ lớn có thể là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự nổi lên của AGI, hoặc AGI thực sự có thể xuất hiện đột ngột khi các mô hình AI vượt qua một ngưỡng nhất định. Dù bằng cách nào, AGI cũng sẽ có đủ tiềm năng để chuyển đổi các nguồn lực và năng lực cạnh tranh quốc gia, khiến hai nhà lãnh đạo AI của thế giới quan tâm đáng kể đến việc giành lợi thế dẫn đầu.

 

Các phòng thí nghiệm AI của Mỹ hiện đang nắm giữ lợi thế rõ rệt, nhờ các biện pháp kiểm soát xuất cảng chất bán dẫn được thiết kế để duy trì lợi thế về năng lực tính toán của Mỹ so với Trung Quốc. Nhưng lợi thế này rất mong manh. Tiềm năng đổi mới sáng tạo trong nước, việc lách luật kiểm soát xuất cảng, và các hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ đã giúp Trung Quốc theo sát ở vị trí thứ hai. Các công ty AI hàng đầu của nước này, chẳng hạn như DeepSeek, đang phát triển công nghệ mới chỉ sau các đối thủ Mỹ vài tháng. Và cách làm việc tập trung của Bắc Kinh có thể giúp họ nuôi dưỡng, củng cố, và khai thác các sáng kiến của khu vực tư nhân nhanh hơn so với Washington.

 

Trong khi đó, hệ thống mở của Mỹ tuy thúc đẩy đổi mới nhưng lại dễ bị tổn thương trước các hoạt động gián điệp và sự lan truyền nhanh chóng của các tiến bộ thuật toán. Những đột phá trong thiết kế thuật toán hoặc các mô hình thay thế trong phát triển AI có thể làm giảm tầm quan trọng của sự thống trị bán dẫn của Mỹ, và sự lan truyền của các đột phá này có thể cho phép các phòng thí nghiệm AI của Trung Quốc vượt mặt các đối thủ cạnh tranh người Mỹ. Chánh quyền Trump, do các ưu tiên chánh trị khác, cũng đang cắt giảm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI cơ bản, đồng thời ngăn cản các công dân nước ngoài tài năng đến làm việc tại Mỹ, do đó dẫn đến nguy cơ làm chậm lại các nỗ lực AI của Mỹ trong vài năm tới.

 

Hơn nữa, phản ứng của khu vực tư nhân Mỹ đối với các mệnh lệnh thương mại không phải lúc nào cũng phù hợp với các ưu tiên quốc gia. Ví dụ, các công ty AI sẽ bị cám dỗ để xây dựng sức mạnh tính toán AI ở bất cứ nơi nào có sẵn hạ tầng cơ sở năng lượng – bất kể cơ sở đó có đặt tại Mỹ hay không. Môi trường pháp lý thuận lợi và nguồn tài nguyên dồi dào đang biến Trung Đông thành một lựa chọn hấp dẫn. Cụm trung tâm dữ liệu AI công suất 5 gigawatt đầu tiên trên thế giới sẽ được xây dựng tại UAE, chứ không phải Mỹ – một bước phát triển được thúc đẩy bởi quyết định gần đây của chánh quyền Trump về việc xuất cảng hàng trăm nghìn chip AI tiên tiến sang Abu Dhabi. Đúng là Washington được hưởng lợi từ thỏa thuận này và các công ty Mỹ bao gồm OpenAI và Microsoft dự kiến sẽ xử dụng phần lớn công suất của các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, việc chuyển hạ tầng cơ sở trọng yếu ra nước ngoài, nơi an ninh có thể lỏng lẻo hơn, cũng có thể tạo ra một cửa sau để Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác có được các năng lực tính toán tiên tiến và các mô hình AI.

 

Ngay cả khi Mỹ có thể giữ vững vị trí dẫn đầu trong cuộc đua đổi mới sáng tạo, điều đó có lẽ vẫn chưa đủ. Xu hướng thị trường hiện tại cho thấy các mô hình AI tiên phong đang ngày càng trở nên dễ thụ đắc và không có sự khác biệt, đến mức chúng không mang lại lợi thế công nghệ rõ ràng cho bất kỳ ai. Nếu xu hướng này được duy trì khi AGI xuất hiện, thì chiến thắng sẽ phụ thuộc vào việc ứng dụng AI hiệu quả – và không có gì bảo đảm Mỹ sẽ giành chiến thắng.

 

 

BẢO ĐẢM LỢI THẾ

 

Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, để ứng dụng AI hiệu quả đòi hỏi phải hiểu rõ các cơ hội (lẫn các mối đe dọa) mà AI tiên phong mang lại, đồng thời tích hợp AI vào các cấu trúc hiện có theo cách bảo đảm lợi thế quân sự quyết định. Việc tích hợp AI hứa hẹn sẽ nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo, đẩy nhanh quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tối ưu hóa hậu cần và phân bổ nguồn lực, kích hoạt các hệ thống tự động tinh vi, và thậm chí có thể dẫn đến sự phát triển của một loại “vũ khí thần kỳ” – chẳng hạn như một vũ khí mạng có thể làm tê liệt hạ tầng cơ sở trọng yếu cùng hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương, hoặc được xử dụng để phòng thủ, giúp một quốc gia trở nên bất khả xâm phạm trước các cuộc tấn công mạng.

 

Chánh phủ Mỹ và ngành công nghiệp tư nhân cần hợp tác để khai triển việc tích hợp AI, nhưng quan hệ hợp tác hiện tại của họ vẫn còn rất hạn chế. Các cơ quan an ninh quốc gia vẫn thiếu quyền truy cập sớm vào các mô hình AI mới nhất, vốn là điều giúp đẩy nhanh quá trình tích hợp các công nghệ mới nhất vào quy trình làm việc của họ. Quan hệ đối tác giữa các phòng thí nghiệm AI hàng đầu và Ngũ Giác Đài cùng các cơ quan an ninh quốc gia khác mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Và quy trình mua sắm kéo dài, văn hóa vận hành không thích thay đổi, thiếu hạ tầng cơ sở và dữ liệu, cùng những hiểu lầm về tiềm năng của AI – cả đánh giá quá thấp lẫn đánh giá quá cao tiềm năng của nó – đang cản trở tiềm năng của chánh phủ trong việc tận dụng tối đa những đổi mới đến từ Thung lũng Silicon. Và dù những vấn đề này được thừa nhận rộng rãi, nhưng khắc phục chúng vẫn là rất khó.

 

Trong khi đó, hệ thống chuyên chế của Trung Quốc lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp dân sự-quân sự, mang lại cho nước này lợi thế về mặt cấu trúc trong ứng dụng AI. Các quy định của nhà nước bảo đảm rằng những tiến bộ công nghệ sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành năng lực quân sự và tình báo. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã ứng dụng AI và đang tích cực tìm kiếm sự đóng góp từ các lĩnh vực thương mại và học thuật. Bằng cách xử dụng các cuộc thi AI và các nền tảng mua sắm công được thiết kế để chuyển đổi nghiên cứu AI dân sự sang các ứng dụng quân sự, quân đội Trung Quốc đã lập ra kế hoạch khai triển các năng lực “chiến tranh thuật toán” và “chiến tranh lấy mạng làm trung tâm” vào năm 2030. Không chỉ đơn thuần là xử dụng thuật toán trong các hệ thống vũ khí, điều này đòi hỏi sự chuyển đổi sang một loại hình chiến tranh mới, trong đó ưu thế quân sự phụ thuộc vào tốc độ, sự tinh vi, và độ tin cậy của các thuật toán đó.

 

Việc duy trì vị trí dẫn đầu về đổi mới là cần thiết nhưng chưa đủ để giành chiến thắng trong cuộc đua an ninh quốc gia. Mỹ có thể liên tiếp tạo ra những đột phá khoa học và công nghệ hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn chưa thể nhận ra thời điểm AI có thể mở ra một con đường công nghệ mới cho năng lực quân sự hoặc tình báo mang tính cách mạng. Các cấu trúc hành chánh của Washington, được thiết kế để cải thiện dần dần các hệ thống hiện có, thường gây khó khăn cho việc hình dung những cơ hội đột phá bất ngờ cho các công nghệ mới nổi. Ngược lại, hệ thống ra quyết định tập trung của Bắc Kinh giúp xác định và khai thác một con đường đột phá nhanh hơn nhiều, qua đó có thể khiến Mỹ rơi vào cảnh vượt trội về công nghệ nhưng lại bị qua mặt về sách lược.

 

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA TÍCH HỢP

 

Người chiến thắng trong cuộc đua AI cũng sẽ cần tích hợp AI vào nền kinh tế quốc gia – để bảo đảm rằng AI được xử dụng rộng rãi và được phổ biến trong các lĩnh vực giáo dục, năng lượng, tài chánh, y tế, hậu cần, và sản xuất. Các công ty công nghệ Mỹ đang thúc đẩy các ứng dụng AI dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, một hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm sôi động tài trợ cho sự đổi mới, trình độ hiểu biết kỹ thuật số tương đối cao, và hạ tầng cơ sở kỹ thuật số rộng lớn là những yếu tố mang lại cho Mỹ lợi thế đáng kể. Tuy nhiên, thành công vẫn không được bảo đảm. Nếu các chủ thể doanh nghiệp và chánh phủ ở mọi cấp độ không tạo ra các động lực phù hợp để tích hợp và xây dựng đủ niềm tin của công chúng vào AI, thì khu vực tư nhân có thể gặp khó khăn trong việc ứng dụng AI đủ nhanh để tận dụng lợi ích của năng suất được nâng cao và việc tạo ra giá trị mới. Cũng có nguy cơ là AI sẽ không chỉ tăng cường sức lao động của con người mà còn thay thế nó. CEO của Anthropic, Dario Amodei, gần đây đã cảnh báo rằng AI có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới 20% chỉ trong vòng 5 năm – một kết quả có thể gây bất ổn sâu sắc cho cả nền kinh tế và xã hội Mỹ.

 

Trong khi đó, Trung Quốc có thể sẽ thể hiện tốt một cách đáng ngạc nhiên trong cuộc đua ứng dụng AI vào kinh tế. Các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang tập trung nhiều vào ứng dụng AI hơn là phát triển các mô hình AI. Ví dụ, các mô hình nguồn mở của DeepSeek đang giúp giảm chi phí cho tất cả các mô hình AI của Trung Quốc, theo đó cho phép nhiều doanh nghiệp hơn thử nghiệm công nghệ này. Điều này có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế trong việc tạo ra các sản phẩm làm thay đổi cuộc chơi. Chính phủ Trung Quốc cũng ít chịu ảnh hưởng bởi những hậu quả chánh trị của việc AI thay thế lao động. Dù tự động hóa việc làm đang gây lo ngại ở Washington, nhưng Bắc Kinh thậm chí có thể hoan nghênh việc ứng dụng AI như một giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động tại Trung Quốc do dân số già hóa và sụt giảm nhanh chóng.

 

Ngay cả khi Mỹ tích hợp AI trên toàn bộ nền kinh tế của mình một cách mạnh mẽ như Trung Quốc, họ vẫn có thể thua trong cuộc đua tổng thể nếu Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt hơn để tận dụng những tiến bộ trong sản xuất do AI mang lại, đặc biệt là trong lĩnh vực robot. Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về lắp đặt robot công nghiệp: Các công ty sản xuất Trung Quốc đã mua một nửa sản lượng toàn cầu vào năm 2024 và số robot trên mỗi nhân viên của nước này vượt xa mức trung bình toàn cầu. Tự động hóa cực độ đang trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực sản xuất với sự gia tăng của “các nhà máy tối” (dark factories) như cơ sở sản xuất điện thoại thông minh của công ty điện tử Xiaomi, hoạt động 24/7 mà không cần công nhân. Khi AI đạt được những bước tiến trong suy luận không gian và trí tuệ hiện thân – AI cho phép robot tương tác và học hỏi từ môi trường vật lý của chúng – thì robot nhà máy có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ vật lý phức tạp hơn nhiều.

 

Dù các công ty Mỹ nổi trội hơn về phần mềm và dịch vụ – những lĩnh vực cũng được kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng năng suất đáng kể nhờ ứng dụng AI – nhưng trong những thập niên gần đây, Mỹ đã nhường bước cho Trung Quốc trong các ngành công nghiệp vật lý, bao gồm sản xuất, hậu cần, năng lượng, và hạ tầng cơ sở. Nhờ các chánh sách công nghiệp do nhà nước định hướng và cơ sở sản xuất khổng lồ, Trung Quốc có thể khai triển AI trên quy mô lớn trong các lĩnh vực này và có thể tạo ra những bước tiến năng suất đáng kể giúp nước này vượt qua nền kinh tế Mỹ.

 

 

NHỮNG YẾU TỐ KHÁC TRONG CUỘC ĐUA

 

Các cường quốc công nghệ trên thế giới cũng đang chạy đua để cung cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật số sẽ làm nền tảng cho việc phát triển, khai triển, và xử dụng AI toàn cầu. Dù đây chủ yếu là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng các cường quốc công nghệ khác (như Pháp, Nhật Bổn, Hà Lan, Nam Hàn, Đài Loan, và Anh Quốc) cùng các quốc gia mới nổi đầy tham vọng (như Brazil, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, và UAE) cũng đang tham gia cuộc đua. Mỗi bên tham gia đều nhằm mục đích kiểm soát dữ liệu, chip, trung tâm dữ liệu, và các mô hình nền tảng cần thiết cho việc xử dụng AI, cũng như gây ảnh hưởng đến các chuẩn mực và tiêu chuẩn AI toàn cầu. Như Sacks, người đứng đầu về AI và tiền điện tử trong chánh quyền Trump, gần đây đã nói, “Nếu 80% thế giới xử dụng công nghệ Mỹ, đó là chiến thắng. Nếu 80% xử dụng công nghệ Trung Quốc, đó là thua cuộc.”

 

Các biện pháp kiểm soát xuất cảng chip bán dẫn đã mang lại cho Mỹ một lợi thế đáng kể. Các công ty Mỹ có quyền mua được các chip cần thiết cho sức mạnh tính toán, và phần lớn thế giới muốn xử dụng chip Mỹ vì chúng là lựa chọn tốt nhất hiện có. Chánh quyền Trump đang tìm cách tận dụng lợi thế này bằng cách “nhấn chìm thị trường” với chip và trung tâm dữ liệu Mỹ, bắt đầu từ các quốc gia đối tác như Ả Rập Saudi và UAE. Ý tưởng là khóa chặt việc xử dụng công nghệ Mỹ ở những nơi mà các lực lượng thị trường khuyến khích các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật số.

 

Nhưng ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, ít khách hàng hơn, và ít cơ sở hạ tầng cơ bản như kết nối băng thông rộng và mạng điện hơn, chiến lược tuân theo các lực lượng thị trường của Washington sẽ dẫn đến việc đầu tư dưới mức cần thiết. Đây là tình hình chung ở một nhóm lớn các quốc gia Phi Châu, Mỹ Latinh, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á đang chuyển sang AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ. Trung Quốc sở hữu vị thế cạnh tranh vượt trội so với Mỹ ở những nơi này nhờ việc cung cấp các mô hình AI kém tiên tiến hơn nhưng rẻ hơn đáng kể, cũng như trợ cấp cho cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số cần thiết để vận hành chúng. Hiện tại, Trung Quốc có thể không thể xuất cảng bất kỳ loại chip hàng đầu nào, nhưng đối với nhiều quốc gia đang phát triển, nơi chi phí và tiềm năng nắm được công nghệ quan trọng hơn hiệu suất tiên tiến, thì những sản phẩm “đủ tốt” của Trung Quốc có thể là lựa chọn rất hấp dẫn.

 

Việc nhường lại những thị trường mới nổi này có nguy cơ dẫn đến một tương lai nơi Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc đua công nghệ tiên phong, nhưng lại đánh mất vị thế dẫn đầu hệ sinh thái AI toàn cầu vào tay Trung Quốc. Hậu quả đối với Washington không chỉ dừng lại ở việc mất đi ảnh hưởng địa chánh trị và các cơ hội thương mại. Các mô hình và hạ tầng cơ sở AI của Trung Quốc thường thể hiện các giá trị chuyên chế kỹ thuật số, cho phép Bắc Kinh xuất cảng các cơ chế kiểm soát nhà nước và định hình các câu chuyện lịch sử và chánh trị vượt ra ngoài biên giới của mình. Chúng tạo điều kiện cho việc giám sát bằng cách hỗ trợ các hệ thống nhận dạng khuôn mặt và giọng nói, đồng thời phân tích một lượng lớn dữ liệu để theo dõi các cá nhân và đánh dấu những hành vi “đáng ngờ.” Chúng tự động kiểm duyệt nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoặc liên quan đến các chủ đề nhạy cảm như Quảng trường Thiên An Môn, Đài Loan, Hong Kong, người Duy Ngô Nhĩ, hay nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Các thuật toán cũng quản lý và phát tán các tuyên truyền ủng hộ Trung Quốc. Ngược lại, các mô hình AI của Mỹ thường phản ánh cam kết mạnh mẽ hơn đối với các chuẩn mực dân chủ, tính minh bạch, bảo vệ quyền riêng tư, lựa chọn của người dùng, và các khuôn khổ bảo vệ dữ liệu, giúp giảm nguy cơ bị chánh phủ lạm dụng. Một bước quan trọng để đảm bảo các công nghệ định hình cuộc sống hiện đại trên toàn thế giới phù hợp với các giá trị dân chủ là Washington phải chủ động khuyến khích các công ty AI của Mỹ đầu tư và xây dựng hạ tầng cơ sở ở các nước đang phát triển.

 

Những lựa chọn chánh sách kém có thể khiến Mỹ tụt hậu trong cuộc đua xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng AI của thế giới. Việc kiểm soát xuất cảng quá mạnh tay có thể khiến các đồng minh xa lánh, hoặc đẩy các quốc gia còn đang do dự về phía các sản phẩm của Trung Quốc. Ngược lại, việc kiểm soát nhẹ tay đối với các chip AI tiên tiến có thể vô tình tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc mua lại hoặc thu thập chúng từ xa, theo đó thúc đẩy đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Và nếu Washington không thể đưa ra một tầm nhìn thuyết phục về quản trị công nghệ – một tầm nhìn cân bằng cẩn thận giữa an ninh quốc gia với sự cởi mở về kinh tế và các giá trị dân chủ – thì các đối tác quốc tế tiềm năng có thể tìm đến nơi khác. Trung Quốc không chỉ bán AI mà còn cung cấp một bộ công cụ toàn diện để hiện đại hóa nhanh chóng với các điều khoản hấp dẫn về mặt tài chánh và chánh trị cho một phần đáng kể của thế giới. Đối với một quốc gia đang phát triển mong muốn khai thác AI để đạt được lợi ích kinh tế và cải thiện quản trị, thì đề nghị của Trung Quốc thường là con đường thực tế và dễ dàng nhất để tiến về phía trước.

 

 

CUỘC ĐUA XUỐNG ĐÁY?

 

Trong lúc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trong cuộc đua AI, họ không nên quên rằng AGI và các mô hình AI có năng lực cao khác cũng tạo ra những mối đe dọa tiềm tàng. Điều bắt buộc là không bên nào được phép để sự phát triển và khai triển AI nhanh chóng của mình làm tăng rủi ro xảy ra thảm họa. Việc một chủ thể phi nhà nước hoặc một quốc gia bất hảo võ khí hóa các mô hình AI, việc leo thang quân sự ngoài ý muốn do AI gây ra, hoặc việc để mất quyền kiểm soát các hệ thống siêu thông minh đều có thể dẫn đến thảm họa. Ngăn chặn những kết quả như vậy đòi hỏi các cường quốc AI phải tránh đánh đổi sự an toàn với việc vội vã chạy đua cạnh tranh.

 

Những rủi ro thảm khốc cấp bách nhất trong ngắn hạn là các chủ thể phi nhà nước có quyền truy cập vào các hệ thống AI tiên tiến, và từ đó phát động các cuộc tấn công mạng quy mô lớn làm tê liệt các hệ thống tài chánh, hoặc thiết kế và phát tán các mầm bệnh có thể lây truyền và gây chết người cao. Những mối nguy này không còn giới hạn trong phạm vi khoa học viễn tưởng. Các công ty đi đầu trong phát triển AI đã dự đoán rằng ngưỡng nguy hiểm do chính họ đặt ra – được đo bằng “mức nâng cao” (uplift), tức mức độ mà một mô hình AI tăng cường đáng kể sức mạnh của một tác nhân độc hại – có thể bị vượt qua trong năm nay. Một mối đe dọa đang đến rất gần khác là tiểm năng xuất hiện một siêu trí tuệ / trí thông minh không phù hợp với các giá trị, hoặc ý định, của con người, theo đuổi các hành động gây nguy hiểm cho con người do thiết kế sai sót, hướng dẫn mơ hồ, hoặc hậu quả không lường trước được. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các bằng chứng về việc các mô hình AI tiên phong có các hành vi lừa dối hoặc âm mưu khiến rủi ro này ngày càng trở nên đáng tin cậy.

 

Cả Washington và Bắc Kinh đều có lợi ích trong việc ngăn chặn sự phổ biến của các năng lực AI nguy hiểm và sự xuất hiện của AGI hoạt động sai lệch. Điểm chung này tạo ra cơ hội hợp tác giữa hai siêu cường AI – ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ gay gắt giữa họ – để hiểu rõ hơn về rủi ro lạm dụng và sai lệch, đồng thời xác định và phát triển các biện pháp giảm thiểu rủi ro hiệu quả.

 

Đối với Washington, việc tìm cách giảm thiểu các mối đe dọa từ AI – một yêu cầu cấp bách mà chánh quyền Trump đã nhận ra – là một chánh sách đúng đắn bất kể các cường quốc AI khác hành động như thế nào. Ngay cả khi AI hoạt động sai lệch không dẫn đến thảm họa toàn cầu, thì một sự cố lớn liên quan đến AI bắt nguồn từ Mỹ, dù là vô tình hay do sơ suất, cũng sẽ làm suy yếu niềm tin vào công nghệ Mỹ. Nếu Mỹ bị cho là không thể quản lý sức mạnh khổng lồ của AI, thì vị thế lãnh đạo toàn cầu và uy tín đạo đức của họ sẽ bị nghi vấn, và Trung Quốc có thể lợi dụng khoảng trống quyền lực này bằng cách hứa hẹn sự ổn định và năng lực kiểm soát.

 

 

CÔNG THỨC THÀNH CÔNG

 

Quỹ đạo của các cuộc đua AI khác nhau giữa Trung Quốc và Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ, bên chiến thắng trong cuộc đua phát triển AGI sẽ được tăng cường an ninh quốc gia, sức mạnh kinh tế, và tầm ảnh hưởng công nghệ toàn cầu. Và áp lực cạnh tranh do các cuộc đua phát triển và ứng dụng AI tạo ra sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến những hậu quả thảm khốc, bởi sự vội vàng và tính cạnh tranh thường làm suy yếu an toàn – một mối nguy mà không quốc gia nào có thể tránh khỏi. Do đó, thành công trong cuộc đua AI đòi hỏi một chiến lược thúc đẩy tiến bộ trên nhiều mặt trận, đồng thời quản lý các rủi ro an ninh do AI không được kiểm soát.

 

Như một phần trong chiến lược toàn diện, Washington phải nỗ lực hết sức để tránh bị bất ngờ trước những tiến bộ về AI ở Thung lũng Silicon, Trung Quốc, và các trung tâm AI mới nổi trên toàn thế giới. Bị bất ngờ có thể là không nhận ra sự xuất hiện của các mối đe dọa mới, hoặc bỏ lỡ cơ hội tận dụng tiến bộ AI trước Trung Quốc. Để ngăn chặn điều này, chánh phủ Mỹ phải duy trì liên lạc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo công nghiệp trong nước và theo dõi chặt chẽ các đột phá công nghệ sắp xảy ra ở nước ngoài. Việc Bộ Thương mại Mỹ thay đổi mục đích của Viện An toàn AI, hiện được gọi là Trung tâm Tiêu chuẩn và Đổi mới AI Mỹ, chuyển hướng tập trung vào việc hợp tác với các ngành công nghiệp nhằm nghiên cứu và thử nghiệm AI tiên tiến là một bước đi đúng hướng. Các bộ ngành và cơ quan an ninh quốc gia cũng nên cập nhật những công nghệ AI tiên phong mới nhất và khám phá các trường hợp ứng dụng tiềm năng. Tương tự, cộng đồng tình báo phải mở rộng việc giám sát các nỗ lực AI của nước ngoài, đặc biệt tập trung vào những tiến bộ và mục tiêu của Trung Quốc, cũng như của các cường quốc AI mới nổi ở Trung Đông.

 

Chánh quyền Trump cũng nên xác định các phương thức tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển AI tiên phong. Chánh quyền phải đảm bảo các công ty AI có quyền xử dụng các nguồn lực cần thiết cho việc phát triển và khai triển mô hình AI, bao gồm sức mạnh tính toán khổng lồ (dưới dạng chip bán dẫn), dữ liệu chất lượng cao, nhân tài đẳng cấp thế giới, và nguồn cung cấp năng lượng dồi dào. Điều quan trọng là không được tạo ra các vấn đề mới trong quá trình này; ví dụ, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của AI mà không làm trầm trọng thêm tình hình biến đổi khí hậu, Washington nên đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng nguyên tử.

 

Washington cũng phải bảo vệ ưu thế công nghệ của Mỹ. Để đảm bảo những tiến bộ về AI không bị các đối thủ cạnh tranh sao chép nhanh chóng, chánh phủ Mỹ sẽ cần thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với các công nghệ như bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất, tăng cường biện pháp an ninh tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu và trung tâm dữ liệu để ngăn chặn hoạt động gián điệp và trộm cắp sở hữu trí tuệ, đồng thời yêu cầu xác minh người dùng nghiêm ngặt trên các nền tảng điện toán đám mây để chúng không vô tình trở thành công cụ hỗ trợ sự tiến bộ công nghệ của đối thủ.

 

Để Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia, chánh phủ Mỹ cần phát triển một mô hình hợp tác công-tư có tiềm năng mở rộng và thích ứng để hợp tác với các công ty đang nghiên cứu AI tiên phong. Những sáng kiến này sẽ giúp chánh phủ đẩy mạnh việc ứng dụng AI tiên phong và thúc đẩy các biện pháp bảo mật thận trọng. Các công ty AI của Mỹ có thể hưởng lợi từ việc có được thông tin tình báo nhạy cảm của chánh phủ về những kẻ thù đang tìm cách nhắm mục tiêu vào họ, và cả khu vực công và khu vực tư nhân đều có thể hưởng lợi từ việc cùng phát triển các ứng dụng AI có thể củng cố an ninh quốc gia, chẳng hạn như các công cụ an ninh mạng và phòng thủ sinh học tiên tiến.

 

Trong lúc Trung Quốc mở rộng năng lực công nghiệp bằng AI và robot, các cơ quan hoạch định chánh sách ở Washington cũng phải mở rộng việc ứng dụng AI ra ngoài lĩnh vực công nghệ. Chánh quyền Trump nên làm việc với Quốc hội để khởi động một sáng kiến “AI công nghiệp” chuyên biệt nhằm đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển, và đầu tư vào robot và khai triển AI trong các lĩnh vực sản xuất, hậu cần, năng lượng, và hạ tầng cơ sở. Với các khoản tín dụng thuế, trợ cấp đổi mới sáng tạo, và các dự án thí điểm công-tư, chính phủ có thể khuyến khích các nhà máy, kho bãi, và trung tâm vận tải tích hợp các hệ thống AI, thu hẹp khoảng cách giữa năng lực phần mềm tiên tiến của Mỹ và trình độ lạc hậu của các nhà máy.

 

Các cơ quan hoạch định chánh sách cũng phải hành động ngay bây giờ để giúp đỡ những người lao động sẽ mất việc làm vào tay AI trong các lĩnh vực công nghiệp này. Điều đó có nghĩa là tăng đáng kể đầu tư vào giáo dục STEM, đào tạo nghề, cũng như các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng – các dịch vụ sẽ cho phép người lao động bị thay thế bởi tự động hóa nhanh chóng chuyển đổi sang các vai trò mới, như bảo trì robot hoặc giám sát hệ thống AI. Để bảo đảm có sự rõ ràng cho các doanh nghiệp và bảo vệ người lao động trong một nền kinh tế lấy AI làm trọng tâm, các luật và quy định lao động cũng cần được cập nhật. Với việc các công ty ngày càng xử dụng thuật toán để lên lịch ca làm việc, và có ngày càng nhiều nhân viên làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, luật về tiền lương và giờ làm việc nên được hiện đại hóa để bảo đảm mức lương minh bạch, công bằng, và giờ làm việc được xác định rõ ràng. Các hướng dẫn về an toàn tại nơi làm việc sẽ cần được sửa đổi để kết hợp các tiêu chuẩn cho tương tác an toàn giữa người và robot tại các nhà máy. Việc tăng cường trợ cấp thất nghiệp và các hình thức hỗ trợ thu nhập trực tiếp khác cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi tự động hóa cũng sẽ rất quan trọng để giảm thiểu những hậu quả gây mất ổn định của việc dịch chuyển lao động đáng kể.

 

Nếu Mỹ muốn dẫn đầu hệ sinh thái công nghệ AI toàn cầu, họ cũng cần cung cấp AI và trung tâm dữ liệu tiên tiến cho không chỉ các quốc gia giàu có. Để cạnh tranh với các hệ thống AI “đủ tốt” của Trung Quốc tại các nước đang phát triển, chánh quyền Trump nên tìm hiểu các quan hệ đối tác công-tư để cung cấp quyền truy cập vào các hệ thống điện toán đám mây của Mỹ cho các chuyên viên nghiên cứu và doanh nhân ở các quốc gia này. Mỹ cũng nên mở rộng quy mô các công cụ tài chánh do chánh phủ hậu thuẫn – như các khoản vay lãi suất thấp, bảo lãnh vay vốn, đầu tư vốn chủ sở hữu, bảo hiểm rủi ro chánh trị, và ưu đãi thuế – thông qua các cơ quan như Tập đoàn Tài chánh Phát triển Quốc tế (DFC). Những ưu đãi này nên hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại các thị trường mới nổi quan trọng, như Brazil, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Mexico, Nigeria, Philippines, và Việt Nam.

 

Cuối cùng, chánh quyền Trump phải thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro của những kịch bản tồi tệ nhất – và chuẩn bị cho những tình huống bất trắc đó nếu chúng xảy ra. Họ nên tiến hành các cuộc diễn tập bàn tròn và mô phỏng khủng hoảng về các trường hợp lạm dụng AI hoặc siêu trí tuệ hoạt động sai lệch. Đó sẽ là cơ hội cho các lãnh đạo cấp cao diễn tập ứng phó khủng hoảng, xác định những thiếu sót trong vị trí sẵn sàng, và cải thiện khả năng ra quyết định dưới áp lực.

 

Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc cũng có nghĩa vụ sâu sắc đối với chính họ và thế giới trong việc hợp tác để giảm thiểu rủi ro AI. Sau Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba năm 1962, Mỹ và Liên Xô đã xây dựng những biện pháp kiểm soát xung quanh cuộc cạnh tranh nguyên tử của họ. Họ đã hợp tác trong các cuộc đàm phán cho Hiệp ước Không phổ biến Võ khí Nguyên tử năm 1970, thừa nhận rằng một cuộc chạy đua nguyên tử không kiểm soát có thể đẩy nhân loại xuống vực thẳm.

 

Washington và Bắc Kinh ngày nay cần vạch ra một con đường tương tự giữa cạnh tranh và hợp tác AI. Họ có thể bắt đầu bằng một thỏa thuận song phương để chia sẻ thông tin về các sự cố AI và trao đổi các thông lệ tốt nhất về an toàn AI, kiểm soát AI, và sự phù hợp với các giá trị nhân văn. Các cuộc đàm phán tiếp theo nên tập trung vào cách giải quyết các tình huống khi AGI bị lạm dụng hoặc không được kiểm soát.

 

Ý tưởng về một cuộc đua AI đơn lẻ giữa Mỹ và Trung Quốc không thể hiện trọn vẹn sự phức tạp thực sự của cuộc cạnh tranh đang diễn ra hiện nay. Thách thức nằm ở việc giành chiến thắng không phải trong một cuộc cạnh tranh quyết định, mà là trong một cuộc cạnh tranh đa mặt trận, mà kết quả của nó sẽ định hình cán cân quyền lực quốc tế. Việc điều hướng các lĩnh vực cạnh tranh chiến lược và công nghệ AI đan xen sâu rộng này đòi hỏi Washington phải áp dụng một chiến lược toàn diện. Nếu không có nó, thành công trong một cuộc đua có thể tạo ra điểm yếu trong một cuộc đua khác – và việc bỏ qua bất kỳ cuộc đua nào trong số đó cũng có thể làm suy yếu vị thế toàn cầu của Mỹ theo cách không thể cứu vãn.

 

 

Colin H. Kahl là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm An ninh và Hợp tác quốc tế thuộc Đại học Stanford và là cố vấn cấp cao tại RAND.

 

Jim Mitre là Phó chủ tịch kiêm Giám đốc RAND về các Rủi ro Toàn cầu và Mới nổi.

 

 

(Dan Viet Newspaper phụ đính)