Ảnh minh họa: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) tiếp thủ tướng Canada Mark Carney tại điện Elysée ở Paris, Pháp, ngày 17/03/2025. AP - Thomas Padilla

 

 

 

Giữa bối cảnh có nhiều thách thức từ Hoa Kỳ, việc Canada và Liên Hiệp Âu Châu (EU) xích lại gần nhau dường như là điều không thể tránh khỏi, trong bối cảnh Canada được gọi là "quốc gia Âu châu nhất trong số các nước nằm ngoài Âu châu ".

 

 

Canada: Quốc gia Âu châu tại Bắc Mỹ

 

Là một tổ hợp các tỉnh với những bản sắc mạnh mẽ, nhưng Canada cũng có một sự đồng thuận quốc gia rộng rãi về việc bảo vệ sự thống nhất của đất nước trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Các tỉnh Canada, dù có sự khác biệt về văn hóa và địa lý, đều chia sẻ một bản sắc Canada độc đáo, thường được coi là khác biệt với bản sắc Hoa Kỳ.

 

Một số vùng như Québec đã có xu hướng đòi độc lập trong quá khứ, trong khi Alberta, đôi khi được coi là "Texas của Canada", có những khát vọng chính trị riêng. Tuy nhiên, đa số người dân Canada coi đất nước của mình là một đối trọng với Hoa Kỳ, chia sẻ những giá trị Âu châu như bình đẳng, khoan dung và sự cam kết mạnh mẽ với môi trường.

 

Bản sắc Canada đã phần nào được hình thành qua sự đối lập với ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Người dân Canada có những giá trị riêng, chẳng hạn như tôn trọng mạnh mẽ hệ thống phúc lợi xã hội, công bằng xã hội và một hệ thống y tế phổ cập. Những giá trị này, được nhiều quốc gia Âu châu chia sẻ, khiến Canada mang hơi hướng của một quốc gia Âu châu.

 

Do đó, có thể coi Canada là một quốc gia Âu châu về bản chất, nhưng cũng hướng về Âu châu trên thực tế. Với phần lớn dân số là người nói tiếng Pháp và tiếng Anh, Canada chia sẻ các nguồn gốc văn hóa với Âu châu. Việc Mark Carney trở thành thủ tướng Canada có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, vì ông là người có mối quan hệ chặt chẽ với Âu châu và luôn ủng hộ sự hợp tác mạnh mẽ với lục địa già khi mô tả Canada là "quốc gia Âu châu nhất trong số các nước nằm ngoài Âu châu ".

 

Liên minh Canada – Liên Âu chắc chắn sẽ hình thành?

Một cuộc khảo sát được tổ chức Abacus Data thực hiện vào tháng 03/2025 cho thấy khoảng 46% người dân Canada ủng hộ việc đất nước gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, trong khi chỉ có 29% phản đối. Xu hướng này đặc biệt phổ biến đối với người dân miền Đông Canada và những người ủng hộ đảng Tự Do, thường có khuynh hướng gắn bó với Âu châu. Ngược lại, các thành viên đảng Bảo Thủ và người dân miền Tây Canada thường có mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh, nhưng tư tưởng bài Mỹ đang ngày càng gia tăng có thể khiến họ thay đổi quan điểm.

 

Liên Hiệp Âu Châu hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Hoa Kỳ. EU là một thị trường quan trọng, với 450 triệu dân, và đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ về quy mô thị trường. Mặt khác, Canada là quốc gia lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nga, và sở hữu một kho tài nguyên thiên nhiên phong phú: dầu mỏ (Alberta còn được gọi là "Kuwait của Bắc Mỹ"), khí đốt, than cứng, năng lượng thủy điện (đủ để đáp ứng nhu cầu điện của Québec), khoáng sản quý, uranium, vàng... Canada cũng phát triển về nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp lên đến 9 triệu hecta và 2 triệu hồ. Tóm lại, xứ sở lá phong có đủ đất đai để nuôi sống cả thế giới.

 

Ngoài ra, Canada cũng có chung một đường biên giới với Liên Hiệp Âu Châu. Đó là đảo Hans, một mảnh đất nhỏ nằm giữa đảo Ellesmere (phía bắc Canada) và tây bắc Greenland (vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch).

 

 

Trật tự thế giới mới và vai trò chiến lược của Canada

 

Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi lớn trong bối cảnh đại thế chính trị (geopolitics) đầy biến động. Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump rất khó lường và EU đang đứng trước một lựa chọn quan trọng : hoặc là bị phụ thuộc, nếu không muốn nói là chịu lép vế trước các cường quốc như Trung Quốc và Nga, hoặc là tự tạo dựng một nền quốc phòng, năng lượng và công nghiệp mạnh mẽ.

 

Trong bối cảnh này, EU có thể sẽ chú trọng nhiều hơn vào khu vực Bắc Đại Tây Dương, và các nước Na Uy, Vương Quốc Anh hay Iceland sẽ hưởng lợi từ việc Canada và EU xích lại gần nhau. Vì vậy, Ottawa là một mắt xích chiến lược quan trọng đối với EU, không chỉ về tài nguyên thiên nhiên mà còn về sự độc lập năng lượng. Việc Liên Âu và Canada xích lại gần nhau có thể giúp EU tự tin hơn trong việc đối phó với các thử thách toàn cầu.

 

Mục tiêu là tạo ra một khối các nền dân chủ tự do, chia sẻ giá trị chung, kéo dài từ Canada đến Estonia. Trong bối cảnh Iceland tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU vào năm 2027, Vương Quốc Anh có thể quay trở lại khối và hợp tác chặt chẽ hơn, còn Greenland có thể độc lập, việc Canada nộp đơn gia nhập EU trở nên khả thi. Liên Âu đã thành công về kinh tế - xã hội, nhưng thất bại về chính trị - quân sự. Việc Liên Âu tăng cường quan hệ với Canada có thể đặt nền móng cho một khối Đại Tây Dương mới, mạnh mẽ và không phụ thuộc.

 

 

Nguồn: Slate