Tổng giám đốc AIEA, Rafael Mariano Grossi, tại một cuộc triển lãm về các thành tựu nguyên tử của Iran, tại Teheran ngày 17/04/2025. AP

 

 

Ngày 02/07, Iran chính thức tuyên bố ngừng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA). Trước đó khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 24 tháng 6, Tehran đã bác bỏ yêu cầu của cơ quan giám nguyên tử về việc kiểm tra lại các cơ sở bị không kích. Các chuyên gia giải thích về mối quan hệ luôn trục trặc giữa Teheran và cơ quan quốc tế này. 

 

 

Tại sao Iran lại chỉ trích Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA)?

Sau “cuộc chiến mười hai ngày” đã phá hủy nghiêm trọng chương trình nguyên tử của mình, Iran đã liên tục công kích Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) và người đứng đầu cơ quan này, Rafael Grossi. Đòn công kích đầu tiên đến từ Quốc Hội ngày 25 tháng 6, với một cuộc bỏ phiếu đề nghị tạm ngưng hợp tác bắt buộc với AIEA. “Việc cơ quan của Rafael Grossi khăng khăng muốn kiểm tra các địa điểm bị không kích (...) là vô nghĩa và có thể ẩn chứa những ý đồ xấu,” ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã nhấn mạnh thêm hôm 27/06.

 

Cuối tuần trước, đến lượt tờ báo có xu hướng cực kỳ bảo thủ Kayhan còn khẳng định quan chức người Achentina này là gián điệp của Israel và nên bị “xử tử.” Những “đe dọa” này đã bị nhóm ba cường quốc nguyên  tử (gồm Pháp, Vương quốc Anh và Đức) lên án vào thứ Hai tuần này. Tổng thống Iran, Massoud Pezeshkian cũng nhấn mạnh thêm rằng hành vi của Grossi là “phá hoại,” khiến cho việc cắt đứt quan hệ trở nên hợp lý.

 

Bà Héloïse Fayet, phụ trách chương trình nghiên cứu răn đe và phổ biến nguyên tử tại Ifri (Học Viện Quan hệ Quốc tế Pháp), giải thích : “Rafael Grossi bị xem là kẻ bung xung. Người Iran cảm thấy bị phản bội. Họ cho rằng ông ta chịu trách nhiệm gián tiếp về các cuộc không kích của Israel, do báo cáo hàng quý được công bố vào tháng 5 mà Israel một phần dựa vào để tiến hành tấn công...Tuy nhiên, ông Rossi là một trong số ít người ngay từ đầu đã lên án các cuộc không kích và nói rằng các cơ sở hạch tâm không nên là mục tiêu chiến tranh.”

 

 

AIEA đã làm việc như thế nào ở Iran từ trước tới giờ?

Các thanh tra của cơ quan Liên Hiệp Quốc tiến hành kiểm tra bất ngờ các cơ sở đã được Iran khai báo và các cơ sở cũ. “Iran là một trong những quốc gia có các cơ sở được kiểm tra nhiều nhất trên thế giới. Đã có hàng ngàn cuộc kiểm tra kể từ khi ký thỏa thuận năm 2015” nhà nghiên cứu Héloïse Fayet cho biết.

 

Tuy vậy, quan hệ với AIEA đã rất mong manh trước khi khủng hoảng này xảy ra. “Các thanh tra người Pháp từng bị cấm, một số camera giám sát đã bị tháo gỡ,” Héloïse Fayet nhắc lại. “Nhưng Rafael Grossi vẫn có thể tới các cơ sở, thậm chí, trước mỗi cuộc họp của Hội đồng Thống đốc AIEA, Iran đều mời ông ta và ông ta thông báo rằng một số vấn đề đã được giải quyết. Quy trình này giờ bị đảo lộn.”

 

 

Đưa Iran trở lại đàm phán 

Kể từ khi cuộc chiến tranh này kết thúc, các cơ quan ngoại giao đang lo ngại kịch bản Iran rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến võ khí nguyên tử (TNP), mà nước này đã ký từ năm 1970, bảo đảm xử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình. Chuyên gia Héloïse Fayet nhận định: “Tuân thủ các cuộc kiểm tra của AIEA là một điều khoản trong TNP, nên việc từ chối có thể là bước khởi đầu cho việc rút khỏi hiệp ước”.

 

Chuyên gia này giải thích thêm: “Những lời đe dọa nhằm vào AIEA và TNP phản tác dụng với Iran. Chúng chỉ làm tăng thêm bằng chứng cho những người cho rằng Iran đang chế tạo võ khí nguyên tử. Nhưng Iran có thể xử dụng điều này như một đòn bẩy với phương Tây để thúc đẩy mở lại các cuộc đàm phán…Đó là con đường duy nhất, nhưng họ không có lý do để tin rằng Mỹ hay Israel sẽ không tái khởi động các cuộc không kích nếu họ không hài lòng với kết quả đàm phán.”

 

Tuy nhiên, thời gian đang gấp rút. “Cần phải có đàm phán vì thỏa thuận năm 2015 sẽ hết hạn vào ngày 18 tháng 10. Cơ hội ngày càng thu hẹp và các cơ chế kiểm soát sẽ bị vô hiệu hóa nếu không có thỏa thuận nào được ký kết trước thời điểm đó.”

 

 

Iran có bắt buộc phải báo cáo quốc tế về chương trình nguyên tử?

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) khẳng định việc hợp tác của là một « nghĩa vụ pháp lý bắt buộc ». Trong khi đó vẫn còn nhiều mập mờ xung quanh ý đồ thực sự của Teheran về chương trình nguyên tử. Câu hỏi đặt là là Iran có thực sự buộc phải hợp tác với cơ quan của Liên Hiệp Quốc hay không?

Việc hợp tác này dựa trên cơ sở Iran đã phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến Võ khí Nguyên tử (TNP) từ năm 1970. Hiệp ước này có mục tiêu ngăn chặn phát triển rộng võ khí nguyên tử và đến giờ đã có tới 191 quốc gia tham gia gồm: 186 nước không có võ khí nguyên tử (trong đó có Iran), 5 nước chính thức có kho võ khí nguyên tử (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Anh). Hiện chỉ có 3 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc không tham gia Hiệp ước là: Ấn Độ, Pakistan và Israel. Đến năm 1995, TNT đã được gia hạn hiệu lực vĩnh viễn.

 

 

Không thể thiếu kiểm tra

Theo TNP, các quốc gia ký kết được phép phát triển chương trình nguyên tử dân sự, nhưng phải bảo đảm không xử dụng chương trình này để phát triển võ khí nguyên tử.

 

Lợi  thế lớn cho các nước ký kết nằm ở Điều 4 của Hiệp ước, theo đó họ được bảo đảm quyền phát triển năng lượng nguyên tử dân sự. Việc được tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp thúc đẩy việc xử dụng năng lượng này vì mục đích hòa bình, đặc biệt là để đối phó với biến đổi khí hậu và tăng cường sự độc lập về năng lượng.

 

Tuy nhiên, một số hoạt động trong đó có thể bị lợi dụng làm cái cớ cho việc phát triển bí mật kho vũ khí quân sự. Do đó, rất nhanh chóng người ta nhận thấy việc thiết lập một cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt là cần thiết, và công việc này được Tổ chức Liên Hiệp Quốc giao cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) đảm nhiệm.

 

Do đó, để bảo đảm minh bạch và tránh việc che giấu hoạt động quân sự, các quốc gia phải ký kết Thỏa thuận Bảo đảm chung (AGC) với AIEA, cam kết cung cấp đầy đủ thông tin về nguyên liệu và các cơ sở hạch tâm cũng như cho phép các cuộc thanh tra.

 

Trong trường hợp Iran, thỏa thuận này còn được bổ túc bằng các điều khoản cho phép AIEA mở rộng quyền kiểm tra nhằm tăng cường giám sát. Nếu Iran không hợp tác hoặc không cung cấp thông tin đầy đủ, AIEA có thể báo cáo lên Liên Hiệp Quốc, dẫn đến các biện pháp ngoại giao hoặc trừng phạt quốc tế.

 

Từ khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Nguyên tử Iran (JCPOA) năm 2018, Iran đã đẩy mạnh chương trình nguyên tử và có những hành động khiến cộng đồng quốc tế nghi ngờ về việc tuân thủ nghĩa vụ minh bạch với AIEA. Đầu tháng 6 năm 2025, AIEA đã chính thức xác nhận Iran không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về báo cáo và minh bạch, đồng thời yêu cầu giải thích về dấu vết uranium và vị trí các nguyên liệu hạch tâm.

 

Iran từng nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi TNP và ngừng hợp tác với AIEA, việc làm như vậy sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, BắcTriều Tiên đã rút khỏi TNP năm 2003, nước này đã phải chịu sự cô lập quốc tế và trừng phạt kinh tế nặng nề, nhưng chương trình nguyên tử của họ vẫn tiếp tục và thậm chí có các cuộc thử nghiệm nguyên tử sau đó.

 

 

(FRI - Theo La Croix)