Ảnh: GETTY IMAGES/BBC

 

 

 

THẾ GIỚI - Các công ty xuất cảng cà phê Brazil xem thuế quan toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cơ hội để tăng cường xuất cảng cà phê robusta sang Mỹ, sau khi các đối thủ khác, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, phải chịu mức thuế nặng nề hơn.

 

Thuế quan của ông Trump áp 10% đối với hàng nhập cảng từ Brazil, trong khi Việt Nam và Indonesia - hai nhà sản xuất robusta lớn nhất và lớn thứ ba thế giới - bị tuyên bố áp thuế lần lượt là 46% và 32%.

 

Hội đồng Xuất cảng Cà phê Brazil (Cecafe) nói vào hôm 7/4 rằng cơ hội có thể mở ra cho các nhà xuất cảng Brazil nếu ngành cà phê Mỹ không thể đưa mặt hàng này - mà Mỹ sản xuất rất ít - vào danh sách miễn thuế, cũng như nếu Việt Nam không thể hạ mức thuế đối ứng 46% trong các cuộc đàm phán riêng biệt.

 

hãng tin Reuters dẫn lời Tổng giám đốc Cecafe Marcos Matos trong một cuộc phỏng vấn, rằng"Có những cơ hội, nhưng kịch bản này thiên về lo ngại hơn là lợi ích."

 

Mỹ là khách hàng mua cà phê lớn nhất của Brazil vào năm 2024, với lượng mua 8,13 triệu bao 60kg, chiếm 16% tổng lượng xuất cảng cà phê của Brazil, theo số liệu của Cecafe.

 

Ông Matos cho hay Việt Nam và Indonesia xuất cảng khoảng 2 triệu bao cà phê tương tự qua Mỹ và phần lớn là hạt robusta.

 

Hằng năm, Brazil - nước trồng cà phê lớn nhất thế giới - sản xuất nhiều hạt arabica với hương vị dịu so với hạt robusta có vị đậm.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sản lượng arabica sẽ giảm trong vụ thu hoạch năm 2025 và sản lượng robusta sẽ tăng đáng kể.

 

Ông Matos nói rằng cà phê có xu hướng hoạt động tốt hơn các mặt hàng khác trong thời kỳ biến động với dẫn chứng là đại dịch Covid-19.

 

Ông nói thêm rằng Brazil ít nhất cũng chỉ phải đối mặt với mức thuế thấp nhất có thể và có vị thế để duy trì thị phần bán hàng sang Mỹ.

 

Ông Matos nói, "Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, cà phê thường có xu hướng khá ổn định... nhưng dĩ nhiên là cũng có hạn chế, mặt hàng này có thể tăng trưởng chậm lại."

 

Ông cho rằng viễn cảnh có lợi nhất là cà phê sẽ được đưa vào danh sách miễn thuế. Ông dẫn chứng các nghiên cứu cho thấy cứ mỗi đô-la giá trị cà phê nhập cảng sẽ tạo ra 43 đô-la cho nền kinh tế Mỹ.

 

Ông Matos nói, "Chúng tôi đang cố gắng đi theo hướng được miễn trừ bằng cách cho thấy những lợi ích mà cà phê mang lại cho nền kinh tế."

 

Một đối thủ cạnh tranh khác của Việt Nam trong thị trường cà phê là Colombia cũng chỉ chịu mức thuế 10%.

 

Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn thứ ba cho Mỹ - quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Việt Nam chủ yếu xuất cảng hạt cà phê robusta, một loại hạt được sử dụng rộng rãi trong sản xuất cà phê hòa tan cũng như các loại đồ uống đóng chai sẵn.

 

Trong 11 tháng của năm 2024, Việt Nam đã xuất cảng 94.400 tấn cà phê sang Mỹ, trị giá 349,9 triệu USD.

 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong một bài viết hồi tháng 2/2025 rằng con số này giảm 32,1% về khối lượng và 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

 

Ông Tomas Araujo, một nhà môi giới về thị trường hạt tại công ty tài chính StoneX, nói với Reuters hôm 4/4 rằng Việt Nam là trường hợp đặc biệt đáng chú ý trong số các nước bị áp thuế.

 

Ông giải thích thêm rằng trong tương lai, việc Mỹ áp thuế này sẽ gây ra khó khăn cho cả chuỗi cung ứng cà phê và cho cả người tiêu dùng cuối cùng vì chi phí sẽ bị đội lên.

 

Một thương nhân Âu châu nói với Reuters rằng, "Đây là một chuyện lớn. Thuế đối với Việt Nam đồng nghĩa với việc người mua ở Mỹ phải trả thêm 2.500 đô-la (khoảng 65 triệu VN đồng) cho mỗi tấn."

 

Judith Ganes, một chuyên gia phân tích về các mặt hàng nông sản mềm và là chủ tịch của công ty tư vấn J Ganes Consulting, bình luận "Cả ngành công nghiệp cà phê và các nhà sản xuất kẹo sẽ tìm cách vận động hành lang nhằm dỡ bỏ mức thuế này."

 

Bà Ganes nói thêm rằng bà không nghĩ các mức thuế này sẽ được duy trì.

 

Các chuyên gia nhận định rằng các công ty rang xay cà phê Mỹ có lẽ sẽ phải chuyển từ cà phê robusta của Việt Nam sang loại conilon của Brazil, trong khi Âu châu và Trung Quốc có thể sẽ tận dụng nguồn cung lớn hơn từ Việt Nam với mức giá thấp hơn.

 

 

 

(Theo BBC)