Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi trong cuộc gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Điện Kremlin, Moscow, Nga, ngày 23/06/2025. AP - Sergei Karpukhin
Trong nhiều năm, các yếu tố thúc đẩy Trung Quốc, Nga và Iran xích lại gần hơn, đó là cả ba nước cùng chống Mỹ, đều hưởng lợi từ việc gây rối cho Tây phương ở Ukraine và Trung Đông, đồng thời thúc đẩy sự chia rẽ giữa Mỹ và Âu châu. Tuy nhiên, cuộc chiến do Israel tiến hành và nhất là đòn tấn công của Mỹ ngày 22/06/2025, cho thấy sự « cô đơn » của Iran trong trục bài Mỹ ba bên này.
Kể từ đầu cuộc xung đột giữa Israel và Iran cho đến ngày Mỹ dội bom phá hủy ba điểm hạch tâm của Iran, giới quan sát từng dự đoán Trung Quốc – đối tác mạnh nhất trong bộ ba chống Mỹ – sẽ nhanh chóng cung cấp hỏa tiễn tầm ngắn và các thiết bị phòng không cho Iran. Tương tự, việc ngoại trưởng Iran, Abbas Araghchi, đến Moscow, bên đã được Teheran hỗ trợ drone Shahed chống Ukraine, dường như cũng nhằm hy vọng có được sự hỗ trợ quân sự của Nga.
Nhưng những gì Teheran nhận được là những tuyên bố chung chung, lên án chiến dịch quân sự của Israel là « trơ tráo », « vi phạm chủ quyền của Iran » hay đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải nhằm « khôi phục hòa bình và ổn định Trung Đông ».
Theo chuyên viên nghiên cứu Zineb Riboua, tạo Tổ chứ Nghiên cứu Hudson Institute, một trung tâm tư vấn bảo thủ, được tờ Nikkei Asia (27/06/2025) trích dẫn, những động thái này cho thấy Nga và Trung Quốc đang đi ngược lại với những gì hai nước này tự phô trương như là một « giải pháp thay thế » với các nước yếu thế hơn, phải phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của Mỹ. Giống như nhà độc tài Bachar Al Assad tại Syria, chế độ thần quyền Teheran lần này « không thể trông cậy vào Nga hay Trung Quốc khi tình hình trở nên khó khăn ». Bắc Kinh cân nhắc và nhận thấy rằng ủng hộ chế độ Teheran giống như là một khoản đầu tư kém hợp lý so với việc duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao với Tây phương.
Nga – Trung đứng ngoài cuộc: Một đòn giáng mạnh cho Iran
Theo Leon Aron, một chuyên gia quan sát địa chánh trị, tác giả tập sách « Riding the Tiger: Vladimir Putin’s Russia and the Uses of War », trên trang The Atlantic (29/06/2025), đó cũng là vì Iran, Nga và Trung Quốc có hệ tư tưởng, chế độ chánh trị và mục tiêu chiến lược khác nhau. Và mối quan hệ của Iran với hai đối tác lớn hơn mình là « vô cùng » bất cân xứng.
Nếu Trung Quốc là khách hàng dầu lửa chính của Iran (90% lượng dầu xuất cảng của Iran), nhà cung ứng vật liệu – công nghệ thiết yếu cho chương trình phát triển võ khí Iran, thì trên thực tế, Iran chỉ là một đối tác thương mại thứ yếu khi chỉ cung cấp có 10% nhu cầu dầu hỏa của Trung Quốc. Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 40 lần so với của Iran.
Về phía Nga, chuyên gia nghiên cứu về Iran, Nikita Smagin, trả lời đài Europe 1 đánh giá, việc Iran cung cấp drone Shahed-136 đã là chuyện quá khứ. Hợp tác quân sự giữa hai nước đã đạt đỉnh điểm vào năm 2022. Tính đến đầu năm 2024, có đến 90% linh kiện Shahed không phải là của Iran, ngoài phần động cơ.
Cũng theo The Atlantic (18/06/2025), được Europe 1 dẫn lại, cho rằng, « chương trình nghị sự chống Tây phương mà Điện Kremlin bị ám ảnh đã nâng cao vị thế của Cộng hòa Hồi giáo như một đối tác, nhưng Putin còn những lợi ích khác trong khu vực - chẳng hạn như mối quan hệ lâu dài nhưng phức tạp với Israel và nhu cầu điều phối giá dầu với OPEC - vì vậy, ông ấy luôn lưu tâm đến những ranh giới đỏ của Israel và các quốc gia vùng Vịnh khi nói đến hợp tác quốc phòng với Teheran. »
Tóm lại, như nhận xét của Leon Aron, vào những thời điểm bình lặng, Trung Quốc giống như Nga, rất hồ hởi sử dụng Iran như một công cụ tấn công, chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này!
(Theo RFI)