Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/07/2025. via REUTERS - Russian Foreign Ministry

 

 

Tây phương càng lúc càng khó chịu khi thấy các chương trình hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thêm phong phú. Nhân danh « bảo vệ ổn định chiến lược cho thế giới », đôi bên cùng chống những dự án quân sự của Hoa Kỳ. Nhưng thật ra tình bạn « vô bờ bến » giữa Moscow và Bắc Kinh có nhiều giới hạn. Không thiếu phương tiện, nhưng chưa chắc Trung Quốc sẵn sàng đương đầu với cỗ máy quân sự của Hoa Kỳ, vẫn được cho là đáng gờm nhất của thế giới.

 

Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov vừa kết thúc chuyến công tác tại Bắc Kinh. Hôm 15/07/2025 ông đã hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi dự cuộc họp cấp ngoại trưởng các thành viên Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải. Với đồng cấp Vương Nghị, lãnh đạo ngoại giao Nga đã đề cập đến nhiều hồ sơ, từ giải pháp chấm dứt chiến tranh Ukraine đến xung đột tại Trung Đông. Nhưng Mỹ mới là chủ đề chánh trong các cuộc thảo luận song phương. Chính là để đối đầu với Hoa Kỳ mà lãnh đạo Nga và Trung Quốc từ nhiều năm qua đã không ngừng « nâng cấp, mở rộng » quan hệ chiến lược song phương. Đôi bên nói đến một mối bang giao « vô hạn định ».

 

Trong bài viết đăng trên báo Nhật Bản The Diplomat ngày 11/07/2027, Daniel Balazs, chuyên viên nghiên cứu về Trung Quốc, đại học công nghệ Nanyang Singapore, ghi nhận Moscow và Bắc Kinh luôn phủ nhận quan hệ song phương là một « liên minh quân sự ». Đôi bên chỉ là những đối tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng vì lợi ích chung của thế giới. Điều đó không cấm cản Moscow – Bắc Kinh có nhiều cơ chế ở rất nhiều cấp để phối hợp hành động. Điển hình là cuộc họp thường niên trong khuôn khổ Cơ Quan Tham Vấn Chiến Lược An Ninh (Strategic Security Consultation) hay những « thỏa thuận hợp tác 5 năm ». 

 

Nhìn đến các dự án hợp tác đã và đang được thực hiện, tác giả bài viết trên báo The Diplomat nhắc lại, mỗi lần hội ngộ, Vladimir Putin và Tập Cận Bình không ngừng tuyên bố về « tình bạn vô bờ bến ». Nga -Trung Quốc cam kết « mở rộng hợp tác chiến lược ». Cùng lúc, các thương vụ mua bán võ khí và hàng lưỡng dụng giữa hai nước đã phát triển mạnh hơn bao giờ hết kể từ 2014, khi Tây phương trừng phạt Moscow thâu tóm bán đảo Crimée của Ukraine, rồi đưa quân xâm chiếm Ukraine năm 2022 chỉ vài ngày khi tổng thống Vladimir Putin từ Bắc Kinh trở về. 

 

Tác giả nhìn nhận đã có một thay đổi trong tương quan giữa hai đối tác này trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và quân sự: Năm 2020 Nga từng chiếm đến 70% tổng kim ngạch nhập cảng thiết bị quân sự của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này bị thu hẹp lại còn 40% vào năm 2024. Lý do đơn giản: Bắc Kinh đã tự chủ hơn, bớt phụ thuộc vào võ khí của Nga. Đồng thời đây là một trong những hậu quả của việc Tây phương trừng phạt Moscow xâm chiếm Ukraine từ tháng 2/2022. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng, vì những hợp đồng xuất nhập cảng võ khí giữa hai quốc gia đã được thay thế bằng nhiều hợp đồng mua bán những mặt hàng lưỡng dụng. 

 

Trên thực tế, « hợp tác về kỹ thuật -quân sự » Nga - Trung đã được mở rộng từ trước khi những người lính Nga đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Ukraine. Chuyên viên nghiên cứu về Trung Quốc Daniel Balazs liệt kê hẳn một danh sách khá dài những công trình có lợi cho cả đôi bên, điển hình là cam kết hồi 2019, khi tổng thống Vladimir Putin hứa giúp Bắc Kinh chế tạo một hệ thống phát hiện tên lửa tấn công, một công cụ quân sự tối tân mà cho tới thời điểm đó chỉ mới Nga và Mỹ làm chủ được công nghệ. Thêm một thí dụ khác là các dự án Nga - Trung cùng phát triển một lớp tiềm thủy đỉnh nguyên tử thế hệ mới, hay chương trình cùng thiết kế trực thăng vận tải giữa tập đoàn AVIC của Trung Quốc với ian Helicopters, mà trên nguyên tắc những sản phẩm đầu tiên đã phải được trình làng vào năm 2023. 

 

Mục tiêu Moscow và Bắc Kinh theo đuổi qua tất cả các chương trình nói trên đó là nhằm « phối hợp » hành động trước những « thách thức đối với ổn định của toàn cầu » mà Hoa Kỳ đang đặt ra. Cả hai ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều thấy rõ hợp tác về công nghệ giúp Nga và Trung Quốc « mạnh hơn » trong tương lai. Nhưng một nước Nga hùng mạnh hơn liệu có trở thành một mối đe dọa tiềm tàng đối với những lợi ích của Bắc Kinh? Và trong chiều ngược lại, nước Trung Hoa sát cạnh là một cường quốc kinh tế và quân sự có phù hợp với những tính toán của chủ nhân điện Kremlin?

 

Daniel Balazs, đại học công nghệ Nanyang Singapore, kết luận: Vì an ninh quốc gia, Bắc Kinh và Moscow cùng muốn tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng « coi chừng tính toán đó sẽ phản tác dụng », khi mà nước cờ này « lôi kéo mỗi bên vào một cuộc chạy đua võ trang với Hoa Kỳ ». Bởi vì chắc chắn Washington không để cho trục Nga - Trung cấu kết với nhau thống lĩnh thị trường võ khí và quân sự, với hậu quả kèm theo là « những nỗ lực duy trì ổn định trên thế giới và kiểm soát võ khí chiến lược lại càng khó khăn hơn ». Nước Nga của tổng thống Putin và Trung Quốc của ông Tập Cận Bình khi đó liệu có được an toàn hơn?

 

 

 

(Theo RFI)