Những người vận động ăn mừng bên ngoài Tòa án Tối cao ở thành phố London sau phán quyết lịch sử của tòa án (AAP). Ảnh: Lucy North/PA

 

 

ANH QUỐC - Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã đồng thuận ra phán quyết rằng luật định nghĩa các thuật ngữ "phụ nữ" và "giới tính" là ám chỉ phụ nữ về mặt sinh học và giới tính sinh học.

 

Phán quyết được mong đợi này tập trung vào vấn đề liệu một phụ nữ chuyển giới có giấy chứng nhận công nhận giới tính (G-R-C), một văn bản chính thức công nhận hợp pháp giới tính mới của một người, có được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử với tư cách là phụ nữ theo Đạo luật Bình đẳng của Anh hay không.

 

Vương quốc Anh đã bị chia rẽ vì một vấn đề cốt lõi của chính trị giới tính hiện đại: ai được định nghĩa là nữ giới? và điều đó có ý nghĩa gì đối với các không gian chỉ dành cho phụ nữ?

 

Tòa án Tối cao hiện đã đưa ra câu trả lời:

"Phán quyết nhất trí của tòa án này là các thuật ngữ "phụ nữ" và "giới tính" trong Đạo luật Bình đẳng năm 2010 đề cập đến phụ nữ về mặt sinh học và giới tính sinh học."

 

Tin tức đó đã khiến một số nhân vật vận động bên ngoài hội đồng rất vui mừng.

 

Nhưng những người khác lại thất vọng.

 

Nhân vật vận động vấn đề chuyển giới và cựu ứng cử viên của Đảng Lao động cho Quốc hội Scotland, Heather Herbert, cho biết lời nói không thể thay đổi được thực tế của cô.

 

"Vâng, rõ ràng là tôi thất vọng. Không thẩm phán nào có thể nói cho tôi biết tôi là ai. Bạn biết đấy, nếu một thẩm phán nói với bạn rằng bạn không phải là phụ nữ, rằng bạn là đàn ông, thì điều đó sẽ không thay đổi con người bạn. Nó sẽ không thay đổi cảm giác của bạn."

 

Phán quyết này có nghĩa là phụ nữ chuyển giới có thể bị loại khỏi một số nhóm và không gian dành riêng cho một giới tính.

 

Luật này sẽ cung cấp cho các dịch vụ chỉ dành cho phụ nữ - ví dụ như trung tâm y tế hoặc tư vấn - cơ sở pháp lý để từ chối phụ nữ chuyển giới vào, với quy tắc tương tự được áp dụng cho phòng thay đồ, nơi trú ẩn và các không gian khác dành cho phụ nữ.

 

Nhưng ngài Hodge của tòa án cho biết phán quyết này không đại diện cho sự chiến thắng của một hoặc nhiều nhóm trong xã hội so với nhóm khác.

 

"Như tôi sẽ giải thích sau trong bài phát biểu này, Đạo luật Bình đẳng năm 2010 không chỉ bảo vệ người chuyển giới khỏi sự phân biệt đối xử thông qua đặc điểm được bảo vệ là chuyển đổi giới tính mà còn chống lại sự phân biệt đối xử trực tiếp, phân biệt đối xử gián tiếp và quấy rối - về căn bản là giới tính đã chuyển đổi của họ."

 

Quyết định này đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đấu tranh kéo dài bắt đầu từ năm 2018, khi nhóm hoạt động nữ quyền For Women Scotland đấu tranh với chính quyền Scotland về một đạo luật yêu cầu phải có 50% đại diện là phụ nữ trong ban quản trị các tổ chức chính phủ ở Scotland.

 

Nhóm này phản đối việc phụ nữ chuyển giới có giấy chứng nhận công nhận giới tính được đưa vào hạn mục đó.

 

Người ủng hộ nổi tiếng nhất của tổ chức này, tác giả Harry Porter "J-K" Joanne Rowling đã đăng bài trên mạng xã hội.

 

"Phải cần đến ba người phụ nữ Scotland phi thường, kiên cường cùng với một đội quân ủng hộ họ để đưa vụ kiện này ra Tòa án Tối cao và khi giành chiến thắng, họ đã bảo vệ được quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên khắp Vương quốc Anh. For Women Scotland, tôi rất tự hào khi được biết đến các bạn."

 

Những người vận động cho quyền của người chuyển giới cho biết quyết định này có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử, đặc biệt là trong việc làm.

 

Tổng giám đốc điều hành Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Anh Sacha Deshmukh cho biết các chính trị gia và cơ quan thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt và duy trì luật pháp bảo vệ quyền của người chuyển giới.

 

“Và thực sự, những người chuyển giới, có lẽ là quan trọng nhất hiện nay, do những gì có thể là sự hiểu lầm hoặc hiểu sai về ý nghĩa của phán quyết này, cần những biện pháp bảo vệ đó được nêu rõ ràng hơn bao giờ hết. Và các cơ quan hoạch định chính sách công có nhiệm vụ bảo đảm điều đó xảy ra.”

 

Ngoài ra còn có lo ngại rằng nó có thể gây ra sự gia tăng các vụ tấn công thể chất ở Anh và những nơi khác.

 

Bộ Nội vụ Anh cho biết tình trạng bạo lực đối với người chuyển giới đã tăng 11 phần trăm trong năm tính đến năm 2023.

 

Tại Hoa Kỳ, Quốc hội đã báo cáo rằng tỷ lệ sát hại người chuyển giới Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 - trong khi Viện Y tế và Phúc lợi Úc báo cáo số lượng người Úc chuyển giới và người phi nhị nguyên giới có ý định tự tử tăng gấp ba đến bốn lần.

 

Ông Deshmukh cho biết những người chuyển giới đã lo sợ cho sự an toàn của họ trước phán quyết này.

 

“Rõ ràng là chúng ta đều biết, như tôi chắc rằng mọi người ở mọi phía của cuộc tranh luận này đều biết, về một số ví dụ kinh hoàng về các cuộc tấn công vào người chuyển giới, mức độ rất cao mà người chuyển giới phải đối mặt với một số loại bạo lực nhất định, chẳng hạn như bạo lực gia đình, cũng như những người phụ nữ có thể được sinh ra về mặt sinh học là phụ nữ. Vì vậy, không có nhóm nào đáng phải đối mặt với loại định kiến đó.”

 

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Chính quyền Trump đang kiện tiểu bang Maine vì không tuân thủ lệnh của Liên bang nhằm ngăn cấm các vận động viên chuyển giới tham gia các môn thể thao dành cho nữ và trẻ em gái.

 

Thống đốc bang Maine Janet Mills cho biết tiểu bang này đang tuân thủ luật liên bang cấm phân biệt đối xử trong giáo dục dựa trên giới tính.

 

Tổng chưởng lý Pam Bondi cho biết vấn đề nằm ở việc phụ nữ bị phân biệt đối xử trong thể thao và sự an toàn cá nhân của họ.

 

"Chúng tôi đang tìm kiếm lệnh cấm để họ dừng việc này lại, dừng những gì họ đang làm, điều đó khá đơn giản. Và chúng tôi đang tìm cách trả lại danh hiệu cho những phụ nữ trẻ đã chiến thắng một cách xứng đáng trong các môn thể thao này."

 

Trở lại Vương quốc Anh, các nhân vật hoạt động người Anh, như bà Herbert, lên tiếng họ lo ngại đất nước này đang đi theo con đường của Hoa Kỳ trong việc tước đoạt các quyền mà các nhóm thiểu số.

Bà Herbert nói, "Cảm giác giống như chúng ta đang theo chân nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump khi mà chúng ta tấn công các nhóm thiểu số. Hiện tại, đó là người chuyển giới, nhưng trước đó đã là các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật”./.