Nguồn: SBS / SBS Tibetan

 

 

Những người Tây Tạng lưu vong ở Úc đang chuẩn bị mừng sinh nhật 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một hành động vừa vinh danh văn hóa Tây Tạng vừa là thách thức Trung Quốc.

 

Các học sinh của lớp Ngôn ngữ và Văn hóa Tây Tạng trong khuôn viên trường Nữ sinh Mackellar ở Manly Vale, vang lên tiếng trống và tiếng trò chuyện của các học sinh đang tập một điệu múa truyền thống Tây Tạng.

 

Các em đang chuẩn bị cho một buổi biểu diễn đặc biệt tại Quốc hội New South Wales, để mừng sinh nhật lần thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày 6 tháng Bảy.

 

Học sinh Phuntsok Dolma Tentso giải thích những cô và các bạn cùng lớp ở Úc có sự tự do mà các bạn trang lứa ở Tây Tạng không có được.

 

“Những đứa trẻ ở Tây Tạng không có cơ hội đến trường như chúng tôi, chúng bị ép vào trường nội trú thuộc địa và hòa nhập vào lối sống của người Trung Quốc. Nhưng ở đây tại Úc, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của mình, điều mà tôi nghĩ là thực sự quan trọng để chúng tôi có thể tiếp tục sự nghiệp của người Tây Tạng."
 

Đối với các học sinh, đó không chỉ là một điệu nhảy. Đó là cách kết nối với bản sắc đang bị đe dọa.
 

"Sinh nhật lần thứ 90 của Đức Đạt Lai Lạt Ma sắp đến, vì vậy chúng tôi luyện tập trước khoảng hai tháng để có thể hoàn thiện. Nói chung, chúng tôi đang dâng những điệu nhảy và bài hát của mình cho Ngài, và đó thực sự là một điều lớn lao đối với chúng tôi. Đó cũng là về việc kết nối với những người trẻ tuổi, như tôi, và cùng nhau tìm hiểu văn hóa Tây Tạng."
 

Nhưng trong khi người Tây Tạng lưu vong ăn mừng, tương lai của các nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng vẫn còn rất bất định. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông sẽ sớm công bố thông tin chi tiết về sự tái sinh của mình, một nhân vật theo truyền thống có sức nặng chính trị và văn hóa to lớn trong khu vực.
 

Nhưng bước tiếp theo này sẽ làm gia tăng căng thẳng.
 

Trong hồi ký của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng người kế nhiệm của mình sẽ được sinh ra ở thế giới tự do, báo hiệu một sự tái sinh nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc.
 

Nhưng Bắc Kinh khẳng định rằng sự tái sinh tôn giáo phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc, tức phải là một người Trung Quốc.
 

Zoe Bedford từ Hội đồng Tây Tạng Úc cảnh báo rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát quá trình kế vị đang làm gia tăng sự lo lắng lan rộng.
 

“Lý do cho sự lo lắng cao như vậy là vì chúng tôi biết rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào quá trình tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.”
 

Kevin Carrico, Giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Monash, cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến sự kế vị kép: một do người Tây Tạng hậu thuẫn, một do Trung Quốc áp đặt, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự thống nhất của Tây Tạng.
 

“Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại qua đời, chúng ta thấy có khả năng rất thực tế về một cuộc xung đột giữa một người kế vị do người Tây Tạng lựa chọn và một người kế vị do người Trung Quốc lựa chọn. Điều đó rõ ràng sẽ tạo ra căng thẳng cực độ ở Tây Tạng và trong xã hội toàn cầu nói chung."
 

Vị giáo sư này nói rằng xưa nay người Tây Tạng đã tự giải quyết vấn đề tái sinh và kế vị, cho đến khi Trung Quốc can thiệp.
 

“Kể từ khi Tây Tạng sáp nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào những năm 1950 mặc dù có nhiều đảm bảo rằng sẽ không có sự can thiệp nào vào các hệ thống chính trị hoặc tôn giáo của Tây Tạng, sẽ là nói quá khi nói rằng đã có sự can thiệp chưa từng có vào các hệ thống chính trị và tôn giáo của Tây Tạng."
 

Năm 1995, sau cái chết của Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật thứ nhì của Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công nhận một cậu bé sáu tuổi là sự tái sinh của mình, nhưng cậu bé đã bị chính quyền Trung Quốc nhanh chóng bắt giữ và không được nhìn thấy kể từ đó.
 

Bà Bedford lo ngại về sự an toàn của bất kỳ người kế nhiệm nào trong tương lai không liên kết với Bắc Kinh.
 

“Tất nhiên, sẽ có mối lo ngại lớn. Nếu một người khác hoặc một người lớn được chọn làm người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma, sẽ có mối lo ngại về sự an toàn của họ. Sẽ có mối lo ngại về hành động của Trung Quốc—và tất nhiên, nỗi sợ rằng Trung Quốc sẽ lặp lại hành động của mình với Ban Thiền Lạt Ma và cố gắng đưa một Lạt Ma giả mạo nào đó lên nắm quyền. Mục đích của việc này là tìm cách chia rẽ người dân Tây Tạng, chia rẽ lòng trung thành của họ, làm mất tính hợp pháp của vai trò của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong cuộc sống của họ và gây nhầm lẫn cho mọi người—bao gồm cả phong trào toàn cầu của những người ủng hộ Tây Tạng trên khắp thế giới."
 

Theo truyền thống, Đức Đạt Lai Lạt Ma được xác định sau khi chết, với các nhà sư tìm kiếm một đứa trẻ được cho là sự tái sinh của ông, được hướng dẫn bởi những giấc mơ, hình ảnh và các bài kiểm tra nghi lễ.

 

 

(AFP/Getty Images) Source: AFP

 

 

Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại, sinh năm 1935 và được công nhận khi mới hai tuổi.
 

Ông đã chạy trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại chế độ Cộng sản Trung Quốc.
 

Ngày nay, ngay cả quá trình kế vị cũng đang bị giám sát chặt chẽ. Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2019, đã nói về viễn cảnh có một người kế vị là phụ nữ.
 

“Nếu một Đức Đạt Lai Lạt Ma nữ đến, cô ấy sẽ hấp dẫn hơn.”
 

Chuyện này gây nhiều tranh luận nhưng sau đó, ông đã giải thích rõ ý của ông, nhưng thông điệp rộng hơn thì rõ ràng, ông sẵn sàng phá vỡ truyền thống. Điều đó bao gồm khả năng chấm dứt hoàn toàn sự kế nhiệm như lâu nay.
 

Kyinzom Dhongdue, một nhà vận động nhân quyền Tây Tạng, cho biết áp lực chính trị đã buộc phải suy nghĩ lại về truyền thống này. Bà giải thích rằng mặc dù các nguyên tắc cốt lõi không thay đổi, nhưng hoàn cảnh xung quanh việc này đã thay đổi.
 

“Theo một cách nào đó, đây là một sự thay đổi cơ bản so với quá khứ. Nhưng không chỉ vậy, không phải là quá trình đang thay đổi. Đó là một thực tế chính trị buộc chúng ta phải bảo vệ thể chế này."
 

 

Chủ tịch Chính phủ Tây Tạng lưu vong, Penpa Tsering, dự kiến sẽ đến thăm Úc vào tháng tới. Thông điệp của ông, giống như thông điệp của người dân lưu vong, rất rõ ràng - tương lai của Tây Tạng không chỉ nằm ở truyền thống, mà còn ở sự tự do.