Hình ảnh, được chụp vào ngày 7/6/2025, cho thấy toàn cảnh các tàu hải quân Phi Luật Tân neo đậu tại căn cứ Oyster Bay ở tỉnh Palawan, phía Tây Manila. Nguồn: Ted ALJIBE/AFP/Getty Images
Hải quân Mỹ dự định xây dựng hai cơ sở sửa chữa tàu nhỏ ở phía tây Phi Luật Tân. Đáng chú ý, một trong hai cơ sở này chỉ cách Bãi Cỏ Mây khoảng 240 km về phía đông - điểm nóng tranh chấp trong khu vực.
Thông báo trên được Đại sứ quán Mỹ đưa ra hôm 16/7.
Bãi cạn Second Thomas - Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây và Trung Quốc gọi là Rạn Nhân Ái thuộc quần đảo Trường Sa - là nơi đồn trú của một nhóm nhỏ binh sĩ Phi Luật Tân trên một chiếc tàu cũ thời Thế chiến thứ II mang tên Sierra Madre bị mắc cạn.
Khu vực này đã nhiều lần xảy ra các vụ đụng tàu của Trung Quốc và Phi Luật Tân.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp phán quyết quốc tế bác bỏ yêu sách này.
Theo trang web đấu thầu chánh phủ Mỹ SAM.gov, một trong hai cơ sở sửa chữa dự kiến sẽ được đặt tại Quezon, tỉnh Palawan.
Phần mô tả dự án này nêu rõ: các cơ sở này sẽ "cung cấp năng lực sửa chữa và bảo dưỡng cho nhiều loại tàu của Phi Luật Tân, bao gồm cả tàu dài 7,32 mét cũng như các loại tàu thông thường nhỏ hơn."
Phi Luật Tân hiện sở hữu nhiều tàu có kích cỡ như vậy, trong đó có các xuồng cao su thân cứng (RHIB) từng được xử dụng trong các cuộc đối đầu với tàu lớn hơn của Trung Quốc.
Dù khu vực Quezon chưa có cơ sở quân sự thường trực nhưng nơi này đã từng được xử dụng trong các cuộc tập trận chung Mỹ - Phi Luật Tân trong hai năm qua.
Báo điện tử Rappler tại Phi Luật Tân viết rằng dù quy mô có hạn nhưng vị trí gần các điểm nóng tại Biển Đông khiến cơ sở này có giá trị chiến lược đáng kể.
Dự kiến, nơi đây sẽ tăng cường năng lực hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động hải quân của Phi Luật Tân tại những khu vực thường xuyên xảy ra đụng độ với tàu Trung Quốc.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila khẳng định dự án đã "được chánh phủ Phi Luật Tân phê duyệt theo đúng tất cả các quy định hiện hành của Mỹ và địa phương tại Phi Luật Tân " và rằng cơ sở bảo dưỡng tàu thuyền này không phải là một căn cứ quân sự.
Biển Đông: Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đụng tàu tiếp tế Phi Luật Tân năm 2023
Kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức vào năm 2022 và bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn với các yêu sách bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, Phi Luật Tân và Hoa Kỳ đã tăng cường hợp tác quốc phòng một cách đáng kể.
Tổng thống Marcos Jr. dự kiến sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 20 đến 22/7 và theo giới quan sát, vấn đề Biển Đông có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự của chuyến đi, đặc biệt là để củng cố thêm quyết tâm của Phi Luật Tân trong việc liên minh với Mỹ để bảo vệ an ninh hàng hải trước sức ép ngày càng căng của Trung Quốc.
Chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông và hải đảo Việt Nam, Đinh Kim Phúc, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 17/7 rằng việc Mỹ thỏa thuận với Phi Luật Tân để xây dựng hai căn cứ sửa chữa thuyền nhỏ bắt nguồn từ thỏa thuận ba bên - Mỹ, Nhật và Phi Luật Tân - bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia vào ngày 10/7 vừa qua.
Bên cạnh việc Mỹ xây dựng cơ sở sửa tàu nhỏ ở gần Bãi Cỏ Mây - một điểm tranh chấp nóng trên Biển Đông - thì Nhật cũng sẽ xuất khẩu 6 tàu khu trục hộ tống lớp Abukuma đã qua xử dụng cho Phi Luật Tân để tăng cường tiềm lực phòng thủ của nước này.
Ông Phúc nói với BBC rằng Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ trước sự hợp tác ba bên này, coi các thỏa thuận như vậy là "những cuộc tụ họp chống Trung Quốc" nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm hình thành một "NATO thu nhỏ" tại khu vực Á Châu - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh đã chính thức phản đối, cáo buộc các nước "bôi nhọ và thổi phồng" mối đe dọa của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ "kiên quyết phản công" bất kỳ hành động nào vượt qua "ranh giới đỏ" của mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Mỹ tiếp tục tái cam kết với Phi Luật Tân sẽ thực hiện hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Phi Luật Tân được ký kết năm 1951, tức là hiệp ước này sẽ được kích hoạt nếu một trong hai bên bị tấn công trên Biển Đông hoặc nếu các tàu tuần duyên bị tấn công.
Ông Phúc nhận định, "Chúng ta thấy rõ những chuyển động này đang tạo ra sự thách thức yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và chắc chắn Bắc Kinh sẽ trả đũa và làm tình hình Biển Đông nóng hơn,"
Chuyên gia nghiên cứu này dự đoán Bắc Kinh sẽ tăng cường sự hiện diện của hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển xung quanh Bãi Cỏ Mây và các thực thể tranh chấp khác, bao gồm các cuộc tuần tra, tập trận và diễn tập cận chiến thường xuyên hơn với các tàu Phi Luật Tân, có nguy cơ dẫn đến những cuộc chạm trán nguy hiểm.
Hiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết trên Biển Đông, khu vực có giá trị thương mại trên biển trị giá hơn 3.000 tỷ USD, bên cạnh đó Phi Luật Tân, Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai Á và Brunei (Văn Lai) cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ.
Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, đưa ra đường chín đoạn cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei (Văn Lai), và Nam Dương.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác yêu sách của Trung Quốc đối với 90% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh không công nhận phán quyết này và đã xây dựng đảo ở vùng biển tranh chấp trong những năm gần đây.
Nhật báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, một chuyên gia hàng hải Trung Quốc, cảnh báo rằng Bắc Kinh "phải sẵn sàng đáp trả" Phi Luật Tân về vụ Mỹ xây dựng căn cứ sửa chữa tàu.
Theo ông Ngô, người sáng lập Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia – một tổ chức tư vấn được nhà cầm quyền Trung Quốc hậu thuẫn, việc Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp ở quần đảo Trường Sa có thể đang đẩy Bắc Kinh và Hà Nội tiến gần hơn tới nguy cơ đối đầu.
Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh công bố trên mạng xã hội X vào ngày 6/6 rằng Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động bồi đắp đảo tại các thực thể do mình kiểm soát ở Biển Đông, bằng việc xây dựng các cảng và đường băng liên quan đến quân sự.
Theo đó, SCSPI khẳng định rằng Việt Nam đã bồi đắp gần 0,78km2 đất trong sáu tháng qua tại 11 thực thể ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Tổ chức này cũng nêu thêm rằng tính từ tháng 10/2021 tới nay, Việt Nam đã bồi đắp thêm hơn 8,5 km2 và các bãi cát có thể đủ điều kiện để xây dựng đường băng cũng đã được tạo dựng tại bốn thực thể khác ở Trường Sa, gồm: đảo Phan Vinh (Pearson Reef), đá Tiên Nữ (Tennent Reef), đá Lát (Ladd Reef) và đá Nam (South Reef).
Đá Nam (South Reef) chỉ nằm cách đá Xu Bi hiện do Trung Quốc kiểm soát chỉ khoảng 50km về phía bắc.
Hình ảnh Việt Nam tân tạo Bãi Thuyền Chài
Nguồn: Planet Labs PBC (BBC)
Bên cạnh đó, Việt Nam đã kiểm soát Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) từ năm 1987, với các bên có tuyên bố tranh chấp bao gồm Trung Quốc, Mã Lai Á và Phi Luật Tân, theo Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải Á châu (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Cũng theo AMTI, Bãi Thuyền Chài là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
Chuyên gia nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng việc Việt Nam, với chiến lược ngoại giao đi dây, luồn lách giữa các siêu cường để tồn tại thì Hà Nội sẽ không phải là một mục tiêu của Bắc Kinh trong thời gian tới đây.
Ông Đinh Kim Phúc nói, "Việt Nam cũng là một bạn hàng lớn của Trung Quốc trong vấn đề kinh tế cũng như là nước gần gũi về ý thức hệ nên tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ chọn Hà Nội để làm mục tiêu leo thang trong lúc này.”
"Nếu làm vậy, chẳng khác nào Bắc Kinh đẩy Hà Nội xích về phía Washington hơn và chính điều này không hề có lợi cho Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với Mỹ, Nhật Bổn và Phi Luật Tân ở Biển Đông.”
"Tuy nhiên, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu bá quyền trên Biển Đông của mình nên Việt Nam cũng cần cẩn trọng. Sự trả đũa của Bắc Kinh đối với ba bên Mỹ-Nhật- Phi Luật Tân có thể sẽ dẫn đến căng thẳng trên toàn khu vực tranh chấp. Nếu Trung Quốc tăng cường tuần tra hoặc quấy rối tàu cá và tàu thăm dò dầu khí thì điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.”
“Do đó, mặc dù không phải là hành động trả đũa trực tiếp, nhưng các hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến một môi trường đầy thách thức và căng thẳng hơn cho Việt Nam ở Biển Đông."
(Theo BBC)