Ảnh: Ivan Romano/Getty Images
Nguồn: Zaki Laïdi, “Why Is Europe Afraid of Defending Itself?”, Project Syndicate, 11/07/2025
Biên dịch: Viên Đăng Huy (nghiencuuquocte.org)
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte ca ngợi hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại The Hague là một thành công tuyệt đối, Mỹ đã đình chỉ một lô hàng thiết bị quân sự dự kiến viện trợ cho Ukraine và nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với một số ngân hàng Nga. Kể từ đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã đảo ngược quyết định này, vốn do Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đưa ra. Nhưng không ai biết mức độ và thời gian của sự đảo ngược mới này. Chánh sách của Mỹ vẫn vô cùng khó đoán. Và đây chính là điều khiến người Âu châu lo sợ. Do đó, bất chấp sự khúm núm của Rutte, Trump đang phát tín hiệu rằng các cam kết an ninh của Mỹ không còn gắn liền với nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ của các nước Âu châu.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các thành viên NATO đã đồng ý nâng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh từ 2% lên 5% GDP vào năm 2035. Trong khi Nga xâm lược Ukraine đã nhấn mạnh sự cần thiết để Âu châu tự bảo vệ mình, chính thái độ khinh thường của Trump đối với Liên minh Âu châu (EU) cuối cùng đã thuyết phục các nhà lãnh đạo hành động.
Tuy nhiên, sự dễ dàng tương đối trong việc đưa ra cam kết chi tiêu này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về cách thức thực hiện nó. Đức có một số dư địa tài chánh, nhờ nhiều năm chi tiêu dưới mức và nợ công thấp, nhưng các quốc gia lớn khác của Âu châu– bao gồm Pháp, Vương quốc Anh và Ý – phải đối mặt với những hạn chế ngân sách nghiêm trọng.
Ngoài những thách thức về ngân sách, cam kết quốc phòng mới của NATO còn đặt ra những vấn đề sách lược sâu sắc hơn. Đặc biệt, với việc Mỹ đặt ra các điều khoản, việc Âu châu có đáp ứng các nghĩa vụ của mình hay không sẽ do Trump và những người kế nhiệm ông quyết định.
Vấn đề càng trở nên phức tạp bởi thực tế là các nước Âu châu đã cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng mà không có cam kết tương ứng từ Mỹ. Khi cam kết tăng chi tiêu quốc phòng mà chưa biết rõ mức độ hiện diện của Mỹ tại châu lục, các nước Âu châu có nguy cơ khiến Mỹ muốn rút quân. Đó là một tình thế lưỡng nan kinh điển: Nếu các nước Âu châu không đạt được mục tiêu, Mỹ sẽ có cơ sở để cắt giảm sự hỗ trợ của mình; và nếu họ đạt được mục tiêu, các cơ quan hoạch định chánh sách Mỹ có thể lập luận rằng Âu châu không còn cần sự hỗ trợ quân sự của Mỹ nữa.
Bất chấp rủi ro có thể khiến Mỹ rút lui, các lãnh đạo EU vẫn chưa dùng việc tăng chi tiêu quốc phòng làm đòn bẩy để đổi lấy một cam kết an ninh vững chắc từ Washington. Và rủi ro là có thật: Elbridge Colby, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Chánh sách và là kiến trúc sư của chiến lược NATO dưới thời Trump, đã lập luận rằng Mỹ phải giảm bớt các nghĩa vụ quân sự của mình, ngay cả với các đồng minh chủ chốt như Úc. Những cử chỉ thân mật tại The Hague không thể nào che giấu sự thật rằng mối quan hệ đồng minh với Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Trump, đang tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cả Âu châu và Á châu.
Với những động lực này, hội nghị thượng đỉnh NATO khó có thể được coi là một chiến thắng cho Âu châu. Hơn nữa, quan niệm rằng chỉ tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giải quyết các vấn đề chiến lược của EU là hoàn toàn sai lầm. Việc hài hòa ngân sách quốc phòng trên khắp Âu châu để giảm thiểu sự trùng lặp và lãng phí sẽ rất khó khăn, và vẫn chưa có sự đồng thuận về việc liệu các quỹ này có nên được dành riêng cho các công ty quốc phòng Âu châu hay không, chủ yếu là vì nhiều người ở Âu châu vẫn tin rằng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ sẽ bảo đảm thiện chí và sự hỗ trợ quân sự liên tục. Trong vấn đề này, Tổng thống Macron vẫn gần như đơn độc. Phần lớn người dân Âu châu cho rằng lời kêu gọi ưu tiên mua sắm trang bị quốc phòng từ Âu châu của ông Macron thực chất chỉ là một cách để thúc đẩy lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp.
Trong thực tế, phần lớn chi tiêu ban đầu có thể sẽ đổ vào các công ty quốc phòng Mỹ, vốn có vị thế tốt hơn để cung cấp thiết bị quân sự quan trọng một cách nhanh chóng. Nhưng còn có những vấn đề khác. Ví dụ, hãy xem xét Hệ thống Không chiến Tương lai (Future Combat Air System - FCAS) – dự án nghiên cứu và chế tạo võ khí giữa Mỹ và đồng mình Joint Strike Fighter (JSF) tham vọng nhất Âu châu cho đến nay, với sự góp mặt của các tập đoàn hàng đầu như Dassault, Airbus và Indra. Bất chấp tầm quan trọng chiến lược, dự án đang đối mặt với những căng thẳng ngày càng tăng giữa Dassault và Airbus.
Dassault của Pháp, tự tin vào năng lực công nghệ của mình, phản đối cấu trúc quản lý trao quyền phủ quyết cho các công ty quốc phòng Đức và Tây Ban Nha. Họ khăng khăng dẫn đầu chương trình FCAS và tuyên bố rằng họ có thể tiến hành độc lập nếu cần thiết. Những căng thẳng đang diễn ra này tiếp tục tạo ra sự không chắc chắn về tương lai của dự án, bất chấp sự ủng hộ chánh trị mạnh mẽ từ Pháp và Đức, làm nổi bật sự cạnh tranh công nghiệp dai dẳng làm suy yếu nỗ lực phòng thủ tập thể của Âu châu.
Hơn nữa, với việc nhiều người Âu châu lo sợ rằng việc xa lánh Trump có thể đẩy nhanh sự rút lui của Mỹ khỏi Âu châu và xem bất kỳ động thái nào hướng tới quyền tự chủ lớn hơn của EU là mối đe dọa tiềm tàng đối với NATO, các quyết định mua sắm quốc gia đang được định hình theo hướng đó. Đơn cử như việc Đan Mạch gần đây đặt mua thêm bốn chiếc F-35 của Mỹ lại diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Trump nhắc lại lời đe dọa muốn thâu tóm Greenland. Việc mua F-35, vốn không phải là tiêm kích tiên tiến nhất do Mỹ sản xuất, được coi là một cách để xoa dịu ông. Do đó, vào năm 2035, có thể sẽ có từ 500 đến 700 chiếc F-35 đang khai triển ở Âu châu, trong khi chỉ có 24 chiếc Rafale bên ngoài Pháp.
Đối với hầu hết các quốc gia thành viên EU, mua hàng Âu châu đơn giản không phải là ưu tiên. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Mỹ thực tế trao quyền kiểm soát việc sử dụng chúng cho Mỹ. Chẳng hạn, việc chặn các bản cập nhật phần mềm hàng tuần là đủ để làm giảm hiệu suất của F-35. Hơn nữa, tất cả các phi cơ do Mỹ sản xuất phải gửi kế hoạch bay cho hãng sản xuất Mỹ, nghĩa là không có hoạt động quân sự nào của Âu châu liên quan đến những phi cơ phản lực này có thể diễn ra mà Mỹ không biết.
Nhưng quan niệm rằng Mỹ một ngày nào đó có thể theo đuổi các mục tiêu trái với lợi ích của Âu châu hầu như không được các cơ quan hoạch định chánh sách EU lưu tâm. Và ngay cả khi họ có nghĩ đến, ý tưởng này quá đáng lo ngại đến mức nó nhanh chóng bị gạt bỏ.
Tất cả những điều này nhấn mạnh sự yếu kém về chánh trị và những nỗi sợ hãi của Âu châu. Kaja Kallas, Đại diện cấp cao của EU về Chánh sách Đối ngoại và An ninh, là minh chứng rõ ràng cho thái độ ngại công khai chỉ trích Mỹ đang phổ biến trong khối. Tương tự, Chủ tịch Hội đồng Âu châu António Costa cũng gần như im lặng về các vấn đề an ninh lớn kể từ khi nhậm chức vào năm 2024. Ủy viên Quốc phòng Andrius Kubilius là một trong số ít người sẵn sàng thừa nhận sự cần thiết để Âu châu chuẩn bị tự bảo vệ mình mà không có sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả Kubilius cũng không dám đối diện với những hệ lụy sâu rộng cả về chánh trị và chiến lược của một sự thay đổi như vậy, nhất là khi bàn đến việc ra quyết định và mua sắm quốc phòng.
Dù hai năm đầu cuộc chiến Ukraine đã giúp gia tăng uy tín cho EU, nhưng thế bế tắc hiện tại cùng với việc Mỹ rút lui đã vạch trần một sự thật phũ phàng: điều Âu châu sợ nhất lại chính là sự độc lập hoàn toàn.
Zaki Laïdi là Giáo sư tại Đại học Sciences Po, là cựu cố vấn đặc biệt của Đại diện cấp cao Liên minh Âu châu về Chánh sách Đối ngoại và An ninh.