Getty Images/BBC
Chỉ còn khoảng hơn một tuần nữa là đến thời hạn các mức quan thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng đối với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có hiệu lực trở lại.
Ông Trump cho biết ông không có kế hoạch gia hạn thêm thời hạn áp quan thuế vào ngày 9/7, sau 90 ngày trì hoãn.
"Chúng tôi sẽ xem mỗi quốc gia đối xử với chúng tôi như thế nào, họ có tốt hay không, một số quốc gia chúng tôi không quan tâm, chúng tôi sẽ đưa mức thuế thật cao", ông Trump nói trong chương trình Sunday Morning Futures, phát sóng hôm 29/6 (giờ Mỹ) của đài Fox News.
Việt Nam, quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn thứ ba toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, đã tiến hành ba vòng đàm phán quan thuế với Washington, nhưng hai bên vẫn chưa công bố chánh thức về việc đạt được một mức quan thuế nào.
Giữa tháng 6/2025, hãng thông tấn Reuters dẫn lời các quan chức am hiểu vấn đề nói rằng Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ sang Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump, có thể là vào cuối tháng Sáu.
Nếu thông tin này đúng thì dường như chuyến đi đã được hoãn lại, có thể do lịch trình bận rộn của ông Trump trong cuộc xung đột Israel – Iran tại Trung Đông, trong đó Mỹ và Qatar đóng vai trò trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn vào hôm 24/6.
Ông Tô Lâm hôm 30/6 vẫn còn ở Việt Nam để tham dự lễ công bố sáp nhập, và thay đổi tên gọi mới cho các địa bàn trên toàn khu địa chánh TP HCM.
Hiện tại, vẫn chưa rõ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam có sang Mỹ để gặp Tổng thống Trump như thông tin mà Reuters đã đưa hay không.
Tuy nhiên, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Úc nói với BBC News Tiếng Việt rằng một điều đáng lưu ý là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, người hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC), đã viết một lá thư cho ông Trump.
Ông Thayer cho biết, "[Lá thư đó] chỉ ra những thiệt hại mà quan thuế có thể gây ra đối với lợi ích của Mỹ trong việc hợp tác với Việt Nam, cũng như những lợi ích tích cực có thể đạt được từ việc các công ty Mỹ tăng đầu tư vào Việt Nam",
"Và từ tất cả điều đó, tôi nghĩ rằng USABC đang đặt câu hỏi: 'Việt Nam có thể làm gì để có được một cuộc gặp với Donald Trump'?".
Giáo sư Thayer cho rằng nếu ông Tô Lâm sang Mỹ, quốc gia mà ông đã từng có chuyến công du vào tháng 9/2024, thì mục tiêu sẽ là gặp gỡ các công ty hàng đầu của Mỹ, tăng cường mua hàng hóa từ Mỹ và ký kết thêm nhiều thỏa thuận.
Kể từ khi ông Trump quay lại Tòa Bạch Cung, Hà Nội và Washington đã ký kết một số lượng đáng kế các thỏa thuận, trong đó có mua bán phi cơ, khí hóa lỏng (LNG)…
Giáo sư Thayer nhận định, "Tôi đoán lần này nếu ông Tô Lâm đi Mỹ thì sẽ có các hợp đồng mới và các cách thức hợp tác mới với các công ty Mỹ. Và nếu điều này thành công, đó là một cách để có được cuộc gặp với Tổng thống Trump".
Diễn biến tốt nhất và xấu nhất là gì?
Mức thuế ban đầu mà ông Trump đã tuyên bố áp lên hàng nhập cảng từ Việt Nam là 46%. Mức này nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất, chỉ sau Campuchia (49%), Lào (48%) và Madagascar (47%).
Tiến sĩ Thủy Nguyễn từ Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ, Đại học Oregon, Mỹ, cho rằng diễn tiến tốt nhất là thuế được giảm xuống còn một phần ba hoặc thấp hơn, ở khoảng 10-15%, mức sẽ giúp Việt Nam "dễ thở" hơn.
Theo bà, để đổi lại, Việt Nam có thể đưa ra các nhượng bộ một số lợi ích sách lược khác cho Mỹ, bao gồm cả việc có thể xử dụng được tốt hơn các bến cảng.
Chuyên gia về khoa học dữ liệu và chánh sách công cho biết, "Dự án sân golf ở Hưng Yên là một ví dụ cho thấy ông Tô Lâm dường như rất sẵn lòng làm hài lòng chánh quyền Trump".
Trong khi đó, giáo sư Alexander L. Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho rằng diễn biến tốt nhất "có lẽ là Việt Nam và Mỹ ký được hiệp định".
"Khi hai lãnh đạo [nếu gặp nhau] và đồng ý được hướng đi rồi thì các chuyên gia chỉ còn làm công việc về mặt kĩ thuật để hoàn thiện hiệp định mà thôi. Và có thể trong tháng 7/2025 là họ có thể kí được hiệp định chăng?", ông nêu viễn cảnh.
Ngược lại, ông Vuving cho rằng diễn biến tệ nhất là hai bên vẫn còn ở cách xa nhau quá và không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Tiến sĩ Thủy Nguyễn nói với BBC rằng diễn biến tồi tệ nhất sẽ là Mỹ duy trì mức thuế đối ứng 46%, và điều đó sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
Giáo sư Thayer cũng đồng quan điểm, đồng thời lưu ý mức thuế 46%, và thậm chí cao hơn đối với pin quang năng, khiến Hà Nội và Washington rơi vào thế cả hai bên đều thua thiệt vì hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn.
Giáo sư Thayer nói, "Diễn biến xấu nhất là Trump, vì lý do nào đó, nhớ lại chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4/2025. Trump đã từng phát biểu rằng Trung Quốc và Việt Nam đang gặp nhau để tìm cách 'chơi xỏ' Mỹ".
"Việt Nam cần phải bác bỏ nhận định đó".
Vấn đề then chốt
Việt Nam từng được xem là bên hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kì đầu của ông Trump.
Nhưng giờ đây, dưới thời chánh quyền Trump 2.0, tình thế đã đảo chiều.
Một vấn đề cốt lõi mà giới quan sát chỉ ra là việc chánh quyền Trump nghi ngờ Việt Nam được xử dụng như một bên trung gian thứ ba để Trung Quốc tuồn hàng vào Mỹ.
Điều này bao gồm cả việc trốn thuế đơn thuần bằng cách trung chuyển hàng hóa Trung Quốc qua các cảng của Việt Nam, và quan trọng hơn là việc xử dụng nhiều linh kiện và phụ kiện Trung Quốc trong hàng xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ.
Giáo sư Vuving nói, “Đây là vấn đề không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn. Bởi vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu của Trung Quốc là câu chuyện gần như của tất cả các ngành hàng, và đó là vấn đề mang tính chất cấu trúc".
Trong khi đó giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để xử dụng linh kiện của Mỹ hoặc linh kiện ngoài Trung Quốc cho các sản phẩm điện tử xuất cảng, nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định.
Theo ông Thayer, Chính phủ Việt Nam đã "rất cảnh giác" với việc hàng hoá sản xuất ở Trung Quốc, gắn mác "made in Vietnam", sau đó được chở đến các kho hàng rồi xuất cảng sang Mỹ, và đã nhiều lần có những bước đi để chấm dứt hoạt động thương mại này, điều mà ông gọi là "cách để Việt Nam tự bảo vệ mình".
Giáo sư Thayer nêu quan điểm, "Và hy vọng rằng, về mặt quốc phòng và các khía cạnh khác, các cố vấn sẽ nói với Donald Trump rằng kinh tế không phải là vấn đề duy nhất, mà Việt Nam còn là một đối tác vững chắc trong khu vực Đông Nam Á, góp phần duy trì ổn định. Làm suy yếu Việt Nam vì lý do kinh tế là điều không có lợi".
Ông Tập Cận Bình đã đến Việt Nam vào tháng 4/2025, chuyến thăm mà ông Trump nói: 'Đó là một cuộc gặp đáng yêu. Một cuộc họp như kiểu như đang tìm cách 'làm thế nào để 'chơi' Mỹ?'. Ảnh: Getty Images
Bên cạnh đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 4/4, ngay sau khi nhà lãnh đạo Mỹ đề nghị mức thuế 46% với hàng hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói Hà Nội sẵn sàng trao đổi với phía Washington để đưa mức thuế nhập cảng về 0% đối với hàng hóa nhập cảng từ Mỹ.
Theo giáo sư Thayer, điều đó sẽ khuyến khích việc tiêu thụ hàng hóa Mỹ tại Việt Nam – phần lớn vì những sản phẩm đó đắt hơn và không đe dọa thị trường nội địa của Việt Nam.
Ông nhận định, "Ít nhất thì chánh quyền Trump cũng sẽ không thể nói rằng Việt Nam dựng lên rào cản thương mại".
Ông Tô Lâm có thể đề nghị gì?
Theo giáo sư Thayer, mục tiêu của ông Tô Lâm trong chuyến thăm [có thể diễn ra] đến Mỹ là tăng cường mua thêm hàng hóa và ký kết thêm nhiều thỏa thuận.
Tiến sĩ Thủy Nguyễn lại lưu ý rằng tham vọng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam lên tầm cao mới khiến ông Tô Lâm không có nhiều lựa chọn.
Bà Thủy Nguyễn nói với BBC hôm 29/6, "Chánh quyền Trump dường như đang thúc ép Hà Nội thể hiện sự liên kết mạnh mẽ hơn với Washington và tạo ra khoảng cách lớn hơn với Bắc Kinh. Thị trường Mỹ quan trọng với nền kinh tế Việt Nam hơn so với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là, về thương mại, Tô Lâm có thể sẽ nỗ lực tối đa để đáp ứng các yêu cầu của Trump, đồng thời cố gắng không chọc giận Tập Cận Bình ở những lĩnh vực khác".
Tuy nhiên, giáo sư Vuving lại cho rằng việc mua thêm hàng Mỹ, hay tạo điều kiện cho công ty Mỹ đầu tư, hoạt động ở Việt Nam "không phải là những biện pháp đủ lớn" để người Mỹ tin rằng Hà Nội có thể giảm xuất siêu sang Mỹ.
Dữ liệu thống kê về tổng sản lượng xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ của Cục Hải quan Việt Nam cho hay, năm 2024 Việt Nam xuất cảng 119,5 tỷ USD vào Mỹ, trong khi nhập cảng từ Mỹ 15,1 tỷ USD.
Con số này khá chênh so với số liệu thống kê từ phía Mỹ: Mỹ nhập cảng 136,6 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong khi chỉ xuất cảng hơn 13 tỷ USD - với thâm hụt là 123,5 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đàm phán cùng lúc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick và Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer qua hội thoại viễn liên trực tuyến. VGP
Giáo sư Vuving nói, "Việt Nam có mua nhiều đến mấy thì cũng không thể nào thay thế được con số xuất siêu sang Mỹ. Không thể",
"Hai nữa là ông tạo điều kiện cho công ty Mỹ hoạt động ở Việt Nam, bằng cách phá vỡ, ông vi phạm luật của mình và để cho họ muốn làm gì thì làm", chuyên gia này nêu ví dụ, ám chỉ đến việc Việt Nam thông qua các quy định để công ty Starlink của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam.
Ông Vuving lý giải, "Nhưng mà như thế cũng chưa ăn thua, vì cũng chỉ có vài công ty như kiểu Starlink của Elon là gần gũi với Trump thôi, thì còn những công ty khác như Apple chẳng hạn, thậm chí ông Trump còn chửi mắng",
"Thế nên là những cái biện pháp đó chỉ mang tính chất tuyên truyền thôi, nó không đi vào thực chất được và không che mắt được những người đàm phán".
Theo chuyên gia từ trung tâm Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn phải có những biện pháp nhượng bộ khác đủ mạnh để có thể tạo ra những thay đổi trong đàm phán, để chứng minh một cách gọi là đáng tin cậy rằng Việt Nam sẽ giảm được sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chính quyền Tô Lâm đã làm được gì?
Giáo sư Stephen B. Young, Giám đốc điều hành tổ chức Caux Round Table for Moral Capitalism, cho rằng một điều mà ông Tô Lâm có thể nhắc đến nếu gặp ông Trump là Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân.
Ông Young nói, "Tôi nghĩ là ông Tô Lâm nên đặt vấn đề rằng Nghị quyết 68 mở ra một con đường mới cho Việt Nam. Con đường đó rất có lợi cho người Mỹ. Hoa Kỳ có thể đầu tư vào và làm bạn với Việt Nam",
"Tại vì mối lo ngại của ông Trump và Cố vấn Thương mại Peter Navarro là Việt Nam được coi như là 'con mồi' của Trung Quốc. Người Trung Quốc thì họ muốn lợi dụng Việt Nam, họ xài Việt Nam để bán đồ cho Mỹ. Và cái nhìn của người Mỹ là Việt Nam là nước nhỏ, phải đi theo Trung Quốc.”
Giáo sư Young nói với BBC, "Nếu ông Tô Lâm nói là Việt Nam không muốn làm vậy, Việt Nam muốn làm trực tiếp với Mỹ thì ông Trump có thể sẽ lắng nghe".
Bên cạnh Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế, và Nghị quyết 66 đổi mới toàn diện thể chế đã được chính quyền ông Tô Lâm áp dụng để "đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình".
Trong vòng 6 tháng, Tổng Bí thư Tô Lâm là người ký ban hành bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị Việt Nam. Ảnh: Getty Images
Theo giáo sư Vuving, "bộ tứ trụ cột" theo cách gọi của ông Tô Lâm đã nằm trong định hướng "thoát ra khỏi thân phận làm gia công cho Trung Quốc".
Theo vị giáo sư này, ở trụ cột đầu tiên, Việt Nam đặt trọng tâm vào khoa học công nghệ, tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong kinh tế lên cao, khiến hàng Việt Nam sang Mỹ có nhiều hàm lượng của Việt Nam hơn.
Ông nói, "Thứ hai là kinh tế tư nhân, không phân biệt đối xử giữa tư nhân và nhà nước nữa, và tạo ra một không gian thoáng hơn cho kinh tế tư nhân phát triển, thì họ sẽ năng động hơn rất nhiều".
Điều thứ ba, theo giáo sư Vuving, là tăng cường hội nhập quốc tế, mở ra những cơ hội mới, những thị trường mới cho mình, cũng như thu thập khoa học công nghệ từ bên ngoài.
Trụ cột thứ tư là tinh gọn bộ máy, loại bỏ rào cản trong thị trường.
Ông Vuving nhận định, "Nếu làm được tất cả việc đó đương nhiên sẽ làm cho hàng hóa ở Việt Nam trở nên có hàm lượng công nghệ cao hơn, đồng thời sản xuất giá rẻ hơn và có thể cạnh tranh với Trung Quốc".
Nhưng chuyên gia này cũng nhấn mạnh đó là chiến lược lâu dài, và không rõ ông Tô Lâm cùng đội ngũ sẽ làm thế nào để những người bên kia bàn đàm phán tin tưởng.
Ông nói, "Nếu không, họ vẫn sẽ áp thuế cao rồi chờ đến khi Việt Nam làm được thì mới hạ xuống sau".
(Theo BBC)
(Phụ đính, Dân Việt Newspaper)