Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok vào ngày 1 tháng 7 năm 2025. Lillian SUWANRUMPHA/AFP/Getty Images
Tòa án Hiến pháp Thái Lan vừa ra lệnh đình chỉ chức vụ thủ tướng của bà Paetongtarn Shinawatra sau vụ bê điện thoại với ông Hun Sen.
Với 7-2 số phiếu, Tòa án Hiến pháp vào trưa 1/7 đã nhất trí xem xét việc luận tội Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra liên quan đến đoạn ghi âm gây tranh cãi và đã đi đến quyết định đình chỉ chức vụ của bà. Thủ tướng Paetongtarn có 15 ngày để kháng cáo.
Trước đó, vào ngày 20/6, một nhóm thượng nghị sĩ, do Chủ tịch Thượng viện Mongkol Surasajja dẫn đầu, đã gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan và yêu cầu điều tra cuộc điện đàm giữa nữ thủ tướng và Chủ tịch Thượng viện Hun Sen. Đơn này còn yêu cầu tòa xem xét việc bãi nhiệm bà Paetongtarn vì cho rằng bà đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức.
Cũng trong ngày hôm nay 1/7, trang web của Hoàng gia Thái Lan đã đăng tải sắc lệnh miễn nhiệm một số bộ trưởng và bổ nhiệm các vị trí mới trong chính phủ của bà Paetongtarn. Theo đó, nữ thủ tướng kiêm nhiệm chức bộ trưởng Văn hóa.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 70 năm, một thủ tướng kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng Văn hóa. Đáng chú ý, nội các mới vẫn chưa có ai được bổ nhiệm chính thức làm bộ trưởng Quốc phòng.
Thành phần nội các mới đã được nhà vua chuẩn y và lễ tuyên thệ nhậm chức được ấn định vào thứ Năm 3/7.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng việc Thủ tướng Paetongtarn kiêm nhiệm chức bộ trưởng Văn hóa là một bước đi chiến lược nhằm tránh nguy cơ "mất hoàn toàn quyền lực" khi Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ thủ tướng của bà.
Trường hợp bà Paetongtarn kiêm nhiệm vị trí bộ trưởng Văn hóa tương tự với tiền lệ của Tướng Prayut Chan-o-cha, thủ tướng thứ 29 của Thái Lan, người từng bị Tòa án Hiến pháp yêu cầu tạm ngưng thực thi nhiệm vụ trong khi chờ phán quyết về vụ kiện "giới hạn nhiệm kỳ 8 năm". Trong thời gian bị đình chỉ chức vụ, ông Prayut vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng Quốc phòng.
Trả lời báo chí ngày 30/6 về lý do nhận thêm chức vụ bộ trưởng Văn hóa, bà Paetongtarn phủ nhận việc lo ngại Tòa án Hiến pháp sẽ ra lệnh tạm đình chỉ mình:
"Không liên quan. Đây là vấn đề cần tập trung vào quyền lực mềm. Tôi coi như mình đang đảm nhận thêm mảng văn hóa nữa."
Bà cũng nhấn mạnh rằng Bộ Văn hóa không phải là một "bộ hạng B hay hạng C", mà là một bộ rất quan trọng, có thể thực sự quảng bá văn hóa Thái Lan và đưa sức mạnh mềm của quốc gia ra quốc tế.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra (giữa) cùng các thành viên nội các trước cuộc họp tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok vào ngày 1 tháng 7 năm 2025. LILLIAN SUWANRUMPHA/AFP/Getty Images
Theo tờ The Nation của Thái Lan, Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai, một nhân vật chủ chốt trong chính phủ, thừa nhận rằng tương lai của Thủ tướng Paetongtarn hiện vẫn chưa rõ ràng sau vụ rò rỉ đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa bà và ông Hun Sen. Đoạn ghi âm này đã làm gia tăng căng thẳng chính trị, kèm theo lời kêu gọi từ giới học giả bảo thủ và một số thượng nghị sĩ yêu cầu bà từ chức.
Trước tình hình đó, ông Phumtham cho biết trong đợt cải tổ nội các gần đây, bà Paetongtarn đã đảm nhiệm chức bộ trưởng Văn hóa như một biện pháp dự phòng, phòng khi Tòa án Hiến pháp chấp nhận đơn kiến nghị và ra lệnh tạm đình chỉ chức vụ của bà.
Sau vụ bê bối điện thoại với "chú Hun Sen", bà Paetongtarn liên tiếp đối mặt với sức ép chính trị dữ dội. Đầu tiên là việc Đảng Bhumjaithai (BJT) - đảng lớn thứ hai trong chính phủ của bà - rút lui khỏi liên minh ngay trong ngày 18/6. Mặc dù đảng này đã bất mãn về liên minh cầm quyền từ trước, nhưng việc họ chọn thời điểm sóng gió này để rút lui và viện dẫn cuộc điện đàm bị rò rỉ làm cái cớ là một đòn nặng giáng vào uy tín của bà Paetongtarn.
Tiếp đó là việc các thượng nghị sĩ đệ đơn yêu cầu Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm bà vì vấn đề đạo đức.
Ngày 23/6, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC) công bố mở cuộc điều tra sơ bộ về đoạn băng ghi âm cuộc trao đổi giữa nữ thủ tướng và ông Hun Sen. Ngày 25/6, Đảng BJT đã đệ trình một kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà Paetongtarn.
Biểu tình trên đường phố cũng đã nổ ra vào ngày 21/6 và đỉnh điểm là ngày 28/6 với ước tính khoảng 10.000 xuống đường, tập trung quanh tượng đài chiến thắng ở thủ đô Bangkok.
Thế khó của gia tộc Shinawatra
Bà Paetongtarn Shinawatra cùng cha mình - ông Thaksin. Tỷ phú Thaksin từng là thủ tướng Thái Lan và sau đó bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Getty Images
Tuy nhiên, bà Paetongtarn không phải là người duy nhất đang gặp rắc rối.
Cha bà, ông Thaksin Shinawatra - nhân vật quyền lực đứng sau chính phủ hiện tại -- cũng đang đối mặt với những trở ngại pháp lý tại hai tòa án khác nhau trong tháng 7 này, theo Reuters.
Tỷ phú Thaksin đang có phiên điều trần đầu tiên tại Tòa Hình sự Bangkok vào ngày 1/7 trong một vụ án liên quan đến cáo buộc ông đã xúc phạm chế độ quân chủ Thái Lan - một tội nghiêm trọng mà nếu bị kết án, ông có thể phải lãnh tới 15 năm tù.
Ông Thaksin phủ nhận các cáo buộc và nhiều lần tuyên bố trung thành với Hoàng gia. Vụ việc bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn truyền thông mà ông Thaksin thực hiện khi đang sống lưu vong vào năm 2015.
Ông trở về Thái Lan năm 2023 để thi hành án tù vì các tội danh xung đột lợi ích và lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, ông Thaksin đã không phải ngồi tù mà được giam giữ tại bệnh viện trong sáu tháng với lý do sức khỏe, trước khi được ân xá vào tháng 2/2024.
Trong tháng 7/2025, Tòa án Tối cao sẽ xem xét lại thời gian nằm viện đó của ông Thaksin và có thể đưa ra quyết định buộc ông phải trở lại nhà tù.
Trong một nước đi táo bạo, ông Hun Sen đã công khai nói ông Thaksin chỉ giả vờ bệnh để đánh lừa người dân và tòa án Thái Lan để không phải ngồi tù.
Lãnh tụ Campuchia khẳng định rằng ông Thaksin đã sử dụng các đạo cụ y tế, như nẹp cổ và nẹp tay, để diễn một màn trước công chúng nhằm thao túng dư luận trong quá trình tố tụng pháp lý.
Ông Hun Sen vào tháng 2/2024 đã bay đến để thăm "người anh em kết nghĩa" sau khi ông Thaksin được ân xá.
Ngày 27/6/2025, ông Hun Sen tuyên bố bản thân mình tận mắt chứng kiến ông Thaksin vào thời điểm đó sức khỏe hoàn toàn tốt, không có vấn đề gì, nhưng lại giả ốm đau.
"Tôi đã bay đến Bangkok để thăm Thaksin sau khi ông ta trở về Thái Lan. Ông ta hoàn toàn không bị bệnh. Nhưng khi chụp ảnh, ông ta đã yêu cầu có đạo cụ - nẹp cổ, nẹp tay - để giả bệnh.
Hun Sen phát biểu ở tỉnh Preah Vihear giáp biên giới Thái Lan vào ngày 27/6 rằng, "Ngay sau khi chụp hình xong, ông ta đã tháo tất cả ra và đi ăn. Đó không phải là bệnh thật. Đó là chỉ là màn diễn xuất. Người dân Thái Lan vốn đã nghi ngờ điều này từ lâu. Tôi chỉ xác nhận lại, bởi cả Thaksin và con gái ông ta, bà Paetongtarn, giờ đây đều thể hiện sự thiếu chân thành."
Chủ tịch Thượng viện Campuchia cũng cáo buộc ông Thaksin đã phóng đại các triệu chứng như "run rẩy, run rẩy" và giả vờ lạnh như một chiêu để tránh phải ra hầu tòa trong nhiều vụ án mà ông phải đối mặt ở Thái Lan.
Ông Hun Sen nói thêm rằng bà Paetongtarn hoàn toàn biết cha mình không bị bệnh, nhưng vẫn hợp tác để đánh lừa tòa án tại Thái Lan và nói sẵn sàng cung cấp thêm nhân chứng nếu tòa án Thái Lan yêu cầu để điều tra thêm về vụ việc.
Lãnh tụ Campuchia còn đe dọa sẽ tiết lộ mọi thứ ông Thaksin từng nói, bao gồm cả những lời xúc phạm đến quốc vương Thái Lan.
Một số nhà quan sát Thái Lan nói với BBC rằng những điều mà ông Hun Sen làm, bao gồm tung băng ghi âm và phanh phui gia đình Shinawatra, đã đẩy gia đình Shinawatra vào tình thế bế tắc.
Tiến sĩ chính trị khoa học Stithorn Thananithichot nói với BBC News Tiếng Việt ngày 27/6 rằng, "Nếu ông Hun Sen đưa ra nhiều tiết lộ cụ thể hơn về phát biểu phỉ báng chế độ quân chủ của ông Thaksin, tác động chắc chắn có thể còn lớn hơn nữa."
Nguồn cơn sự việc
Đoạn ghi âm dài 17 phút được ông Hun Sen tung lên Facebook có dấu tích xanh của mình vào ngày 18/6 trở thành ngòi nổ đẩy gia đình Shinawatra vào thế bế tắc. Hun Sen
Mọi chuyện bắt đầu từ một cuộc gọi riêng từ của nữ thủ tướng Thái Lan với lãnh tụ Campuchia vào ngày 15/6 nhằm mục đích xoa dịu tình hình căng thẳng ở biên giới hai nước.
Tuy nhiên, một đoạn ghi âm dài chừng 9 phút cuộc trò chuyện riêng này đã bị tung lên mạng sáng ngày 18/6. Tới chiều cùng ngày, chính ông Hun Sen đã công khai toàn bộ bản ghi âm dài 17 phút, khiến sinh mệnh chính trị của bà Paetongtarn đứng trước nguy cơ bị "thiêu rụi".
Đoạn ghi âm gây phẫn nộ dư luận Thái Lan vì người dân cho rằng bà Paetongtarn - người đứng đầu chính phủ - đã "cúi đầu" trước Hun Sen, gây mất thể diện quốc gia và thậm chí còn gọi một tướng chỉ huy quân đội phụ trách vấn đề biên giới là "phe đối lập".
Trong một đất nước mà quyền lực quân đội đóng vai trò lớn như ở Thái Lan, lời lẽ của bà Paetongtarn bị coi là vượt lằn ranh đỏ.
Bà Paetongtarn đã giải thích trước công chúng rằng cuộc trò chuyện giữa bà với ông Hun Sen là cuộc gọi riêng từ điện thoại cá nhân của bà. Do đó, việc ghi âm mà không có sự đồng thuận rồi sau đó tung lên mạng "không nên được cộng đồng quốc tế chấp nhận" và việc bà gọi quân đội như thế là một chiến thuật đàm phán.
Tuy nhiên, những lời giải thích này không làm yên lòng dư luận.
Những sóng gió mà bà Paetongtarn phải đối mặt chỉ sau 10 tháng cầm quyền cho thấy sự suy yếu rõ rệt của Đảng Pheu Thai - lực lượng dân túy do gia tộc Shinawatra hậu thuẫn, từng thắng áp đảo các kỳ bầu cử Thái Lan từ năm 2001, bất chấp các cuộc đảo chính quân sự và các phán quyết của tòa án lật đổ nhiều chính phủ và thủ tướng.
Là một tân binh trên chính trường, bà Paetongtarn đã gặp phải biến cố chính trị lớn nhất xuất phát từ Hun Sen, người anh em kết nghĩa thân thiết hơn 30 năm của cha bà - ông Thaksin Shinawatra.
Theo các nhà quan sát chính trị Thái Lan, kể từ khi nhậm chức, vị thế của bà Paetongtarn chưa bao giờ vững vàng và ngày một lung lay.
Chính phủ của nữ thủ tướng đang đối diện với nhiều thách thức, quan trọng nhất là làm sao vực dậy nền kinh tế đang chững lại và cuộc đàm phán thuế quan với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một cuộc khảo sát dư luận theo quý do Viện Phát triển Quốc gia (NIDA) trên toàn quốc từ ngày 19 - 25/6 cho thấy các chỉ số đáng quan ngại cho bà Paetongtarn. Theo đó, tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm xuống còn 9,2%, so với con số 30,9% hồi tháng Ba.
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập và người đứng đầu Đảng Nhân dân, ông Natthaphong Ruengpanyawut, lại nổi lên là ứng cử viên được yêu thích nhất cho vị trí thủ tướng.
(Theo BBC)