Thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai (sau việc sử dụng thuốc lá) đối với nhiều tình trạng bệnh mãn tính có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh tim, một số bệnh ung thư và bệnh tiểu đường loại 2. Trong các khu vực xa xôi, khó khăn ngày càng có nhiều người Úc đang sống chung với tình trạng thừa cân hoặc béo phì.

 

Mặc dù có nhiều chiến dịch khích lệ người dân giảm cân, nhiều phương tiện tập thể dục, nhiều công thức dinh dưỡng nhằm giảm thịt cá, tăng cường rau củ quả vậy màtrong thập kỷ qua, tỷ lệ ngườiÚc trưởng thành cócơ thểnặng cân không hề giảm bớt.

 

Hai năm trước đây, gần hai phần ba (65.8%) người lớn ở Úc bị thừa cân hoặc béo phì, với 34% thừa cân và 31.7% béo phì. Úc đứng thứ 10 trong số các quốc gia OECD về tỷ lệ người thừa cân hoặc béo phì ở độ tuổi từ 15 trở lên. Xu hướng này cũng thấy ở trẻ em, với 26% trẻ từ 2-17 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì, với 8.1% béo phì.

 

Tỷ lệ thừa cân giữa vòng cư dân ở vùng miền hẻo lánh cao nhất, tiếp theo là vùng nông thôn, trong khi các thành phố lớn có tỷ lệ thấp nhất. So giữa các tiểu bang, Tasmania có tỷ lệ béo phì cao nhất: 37% người lớn báo cáo có BMI là 30 hoặc cao hơn, trong khi ACT có tỷ lệ thấp nhất là dưới 30%, theo báo cáo của Dịch vụ Y tế Thường nhật (Health Services Daily).

 

Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng cho rằng béo phì là một căn bệnh phức tạp liên quan đến việc có quá nhiều mỡ trong cơ thể. Béo phì không chỉ là vấn đề thẩm mỹ. Đây là một vấn đề y tế làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh và vấn đề sức khỏe khác. Những vấn đề này có thể bao gồm bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh gan, ngưng thở khi ngủ và một số bệnh ung thư.

 

Có nhiều lý do khiến một số người gặp khó khăn trong việc giảm cân. Thông thường, béo phì là kết quả của các yếu tố di truyền, sinh lý và môi trường, kết hợp với chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và lựa chọn bài tập thể dục.

 

Tin tốt là ngay cả việc giảm cân khiêm tốn cũng có thể cải thiện hoặc ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Chế độ ăn uống lành mạnh hơn, tăng cường hoạt động thể chất và thay đổi thói quen có thể giúp chúng ta giảm cân. Thuốc theo toa và các thủ thuật giảm cân là những lựa chọn khác để điều trị béo phì nhưng không được khuyến khích.

 

Tỷ lệ dân số béo phì cao đưa đến việc tốn kém chi phí chăm sóc sức khỏe - cụ thể hàng năm hệ thống Medicare phải trả cho các bác sĩ gia đình (GP), bệnh viện khoảng 10 tỷ đô-la riêng cho việc tiếp người đến khám với lý do mập. Chính phủ đã có Chiến lược Y tế Phòng ngừa Quốc gia 2021–2030 và Chiến lược Béo phì Quốc gia 2022–2032 là khuôn khổ hành động nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và điều trị tình trạng thừa cân hoặc béo phì ở Úc, với các mục tiêu có thể đo lường được nhằm giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì. Nhưng tới nay, người ta không thấy kết quả tốt từ những chiến lược này. Vấn đề có thể là do ở mỗi cá nhân phải nhận thức béo phì gây nguy hại cho sức khỏe, để rồi mỗi người phải quyết tâm giảm béo bằng chế độ ăn uống lành mạnh, vận động cơ thể đều đặn.

 

Thậm chí gần đây, 36 nhóm cộng đồng, y tế công cộng, y tế và học thuật hàng đầu lần đầu tiên đã liên kết với nhau để kêu gọi Chính phủ Liên bang Úc hành động khẩn cấp nhằm giải quyết vấn đề béo phì nghiêm trọng của Úc.

 

Trong kế hoạch hành động mới mang tính đột phá, các cơ quan xác định tám hành động rõ ràng, thiết thực và dựa trên bằng chứng mà Chính phủ Liên bang Úc phải thực hiện để giảm bớt gánh nặng to lớn mà tình trạng thừa cân và chế độ ăn uống kém đang gây ra cho sức khỏe thể chất và kinh tế của quốc gia.

 

Dưới sự dẫn dắt của Liên minh Chính sách Béo phì (OPC) và Trung tâm Béo phì Toàn cầu (GLOBE) của Đại học Deakin, kế hoạch hành động này dựa trên các khuyến nghị quốc gia và quốc tế để nêu rõ những gì cần phải hành động.

 

Các lĩnh vực bao gồm:

1.        Hạn chế theo thời gian đối với quảng cáo đồ ăn vặt (junk food) trên TV dành cho trẻ em

2.        Đặt mục tiêu cải tiến thực phẩm rõ ràng

3.        Bắt buộc áp dụng Xếp hạng Sao về Sức khỏe trên các sản phẩm thực phẩm

4.        Xây dựng chiến lược vận tải tích cực quốc gia

5.        Tài trợ cho các chiến dịch giáo dục công chúng liên quan đến cân nặng

6.        Áp dụng mức thuế y tế 20% đối với đồ uống có đường

7.        Thành lập lực lượng đặc nhiệm béo phì quốc gia

8.        Xây dựng và giám sát các hướng dẫn về chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và cân nặng quốc gia.

 

Giám đốc điều hành của tổ chức OPC, là Jane Martin, cho biết tám hành động chính sách dứt khoát giải quyết các yếu tố của môi trường Úc khiến cá nhân và gia đình có lối sống không lành mạnh, thay vì chỉ tập trung vào việc điều trị các kết quả sức khỏe kém liên quan đến béo phì.

 

Do đó, các chính sách đề ra để giải quyết tình trạng béo phì không chỉ nhằm mục đích giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong mà còn cải thiện sức khỏe, mang lại lợi ích quan trọng cho nền kinh tế và thiết lập tương lai khỏe mạnh hơn cho người dân Úc.

 

Giáo sư Dịch tễ học và Công bằng trongYtế Công cộng tại Đại học Deakin, Anna Peeters, cho biết 36 nhóm đứng sau báo cáo này đã từ chối để chính phủ chỉ ngồi yên và chứng kiến ngày càng nhiều người Úc mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng và chế độ ăn uống đe dọa tính mạng.

 

Khi tỷ lệ béo phì tăng vọt trên toàn cầu, một nửa số trẻ em và thanh thiếu niên ở Úc được dự báo sẽ thừa cân hoặc béo phì vào năm 2050.

 

Nếu không có cải cách chính sách và hành động khẩn cấp, dự báo cho thấy một phần ba hoặc 2.2 triệu trẻ em và thanh thiếu niên ở Úc sẽ bị béo phì trong vòng 25 năm tới và 1.6 triệu người sẽ bị thừa cân.

 

Tác giả chính Jessica Kerr cho biết tình trạng béo phì gia tăng đáng kể dự kiến trong vòng năm năm tới đã nhấn mạnh đến nhu cầu hành động khẩn cấp.

 

Bác sĩ Kerr cho biết vẫn còn nhiều quốc gia, bao gồm cả Nam và Trung Á và khắp châu Âu, vẫn "thừa cân là chủ yếu", nghĩa là họ có tỷ lệ người thừa cân cao hơn người béo phì.

Bác sĩ Kerr cho biết, "Họ vẫn có cơ hội vượt qua cuộc khủng hoảng béo phì này bằng các chiến lược phòng ngừa".

 

Để theo dõi xu hướng toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phép đo chỉ số khối cơ thể (BMI) cho người lớn và các tiêu chí của Lực lượng đặc nhiệm béo phì quốc tế cho những người dưới 18 tuổi.

 

Gần đây, các chuyên gia quốc tế đã khuyến nghị các tiêu chí chẩn đoán thay thế để đo lường tình trạng béo phì lâm sàng, tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, BMI vẫn được coi là "lựa chọn khả thi nhất" để theo dõi tình trạng béo phì trên quy mô lớn ở cấp độ dân số.

 

Bác sĩ Kerr đồng ý rằng việc giải quyết các yếu tố thương mại quyết định sức khỏe là điều cần thiết để đảo ngược tình trạng gia tăng tỷ lệ béo phì, bên cạnh các chiến lược cải thiện dinh dưỡng, hoạt động thể chất và môi trường sống của trẻ em.

Bác sĩ Kerr cho biết tình trạng thừa cân và béo phì ngày càng gia tăng ở Úc là "phản ứng sinh học" đối với các môi trường thúc đẩy béo phì. Cốt lõi của việc giảm cân, tránh béo hầu như là quyền lựa chọn của mỗi người. Phương tiện, lời khuyên có sẵn, cá nhân không theo, không có ý chí quyết tâm thì tỷ lệ béo phì trong cộng đồng dễ chi mà giảm.

 

 

5 MẸO ĐỂ GIẢM BÉO

Duy trì chế độ ăn kiêng giảm cân là điều khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần áp dụng nhiều mẹo để quá trình này diễn ra suôn sẻ hơn và kết quả tốt hơn!

  1. Chọn nguồn protein rắn thay vì nguồn protein lỏng

Nghiên cứu nhỏ thú vị này đã so sánh mức độ thèm ăn và đói sau khi ăn ức gà (bột pro- tein rắn) so với cùng một ức gà trộn với nước (bột protein lỏng). Điểm đói và nhu cầu ăn thấp hơn đáng kể sau khi ăn bữa ăn rắn so với bữa ăn lỏng (mặc dù hàm lượng calo và protein giống hệt nhau). Vì vậy, các bữa ăn protein rắn có vẻ như có thể tốt hơn trong việc ức chế cơn thèm ăn.

  1. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn hoặc bữa ăn nhà hàng

Trong nghiên cứu thứ hai này, các nhà nghiên cứu đã so sánh hàm lượng calo được nêu trong các bữa ăn đông lạnh ăn liền (mua tại siêu thị) và các bữa ăn nhà hàng, với hàm lượng calo thực tế được đo lường. Các bữa ăn đông lạnh trung bình có nhiều hơn 8% calo so với ghi trên nhãn. Các bữa ăn nhà hàng với lượng calo trung bình nhiều hơn 20% so với ghi trên thực đơn. Tốt hơn là mua các nguyên liệu và tự nấu ăn giúp cơ thể chậm tăng cân.

  1. Bà thường khuyên phải nhai kỹ thức ăn Trong nghiên cứu này, những người tham gia đã đến phòng thí nghiệm để ăn trưa 3 lần. Bữa trưa luôn là mì ống. Trong mỗi lần, người tham gia được phép ăn nhiều như họ muốn nhưng

(1) nhai mỗi miếng 10 lần trước khi nuốt (2) nhai 35 lần trước khi nuốt hoặc (3) nhai tùy ý. Trong điều kiện nhai 35 lần cho mỗi miếng, những người tham gia ăn ít hơn đáng kể so với hai điều kiện khác nhưng vẫn cảm thấy no sau khi ăn xong.

 

  1. Giảm sự thay đổi trong chế độ ăn uống Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tác động của việc quen với một loại thực phẩm nhất định (thường xuyên tiếp xúc với cùng một bữa ăn). Tất cả những người tham gia đều đến phòng thí nghiệm sau khi nhịn ăn 3 giờ và được phép ăn nhiều macaroni và phô mai trong suốt buổi học tùy theo ý muốn. Một nhóm tham gia buổi học “Mac N Cheese” một lần mỗi tuần trong 5 tuần (nhóm hàng tuần) trong khi nhóm còn lại tham gia buổi học 5 lần mỗi tuần trong 1 tuần (nhóm hàng ngày).

Trong nhóm hàng ngày, những người tham gia ăn nhiều nhất trong buổi học đầu tiên và sau đó lượng thức ăn giảm dần mỗi ngày sau đó (ăn ít hơn). Trong nhóm hàng tuần, lượng thức ăn họ ăn trong mỗi buổi hầu như không đổi (thậm chí còn có xu hướng tăng nhẹ trong 5 tuần). Điều này có nghĩa là mọi người ăn ít hơn một loại thực phẩm nhất định khi họ ăn thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là bạn nên giảm sự thay đổi trong chế độ ăn uống của mình (hoặc thậm chí áp dụng một kế hoạch ăn uống) … vì bạn sẽ ít có khả năng ăn quá nhiều.

  1. Hạn chế các loại thực phẩm ngon miệng Các hormone ảnh hưởng đến cơn đói của chúng ta thay đổi tùy thuộc vào mức độ thú vị hoặc ngon miệng của bữa ăn (ngay cả khi lượng calo được cân bằng) và những loại thực phẩm có độ ngon miệng cao sẽ ít thỏa mãn hơn. Do đó, những người đang trong giai đoạn giảm cân nên giảm độ ngon miệng của chế độ ăn kiêng… Món ăn càng ngon, chúng ta càng thèm ăn và trở nên... ăn quá độ!.

 

 

(Dan Viet Newspaper ; Dân Việt Newspaper)