Hình ảnh một gia đình thổ dân Úc. Closing the Gap được khởi xướng vào năm 2008 để giải quyết tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe và tuổi thọ mà người dân bản địa và dân đảo Torres Strait phải đối mặt. Ảnh: Moment RF / Attila Csaszar/Getty Images

 

 

Úc là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tuổi thọ trung bình là khoảng 83 tuổi. Nhưng đối với người thổ dân và người dân đảo Torres Strait, tuổi thọ trung bình của họ thấp hơn mức đó khoảng tám năm. Closing the Gap là một thỏa thuận quốc gia được thiết kế để thay đổi điều đó. Thỏa thuận này nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của người Úc bản địa - để họ có thể tận hưởng chất lượng cuộc sống và cơ hội như những người Úc khác.

 

 

Những năm đầu: lời kêu gọi bình đẳng.

 

 

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2005, khi Giáo sư Tom Calma, Trưởng lão thổ dân Úc, người từng nhận được danh hiệu AO (Công Vụ Bội Tinh) của nước Úc, đưa ra Báo cáo Công lý Xã hội mang tính bước ngoặt.

 

Trong đó, ông kêu gọi bình đẳng về sức khỏe cho người thổ dân Úc và người dân đảo Torres Strait trong vòng một thế hệ — tức là 25 năm.

 

Báo cáo của ông đã tạo nên làn sóng ủng hộ của công chúng. Đến năm 2007, các vận động viên Olympic nổi tiếng Cathy Freeman và Ian Thorpe đã tham gia một chiến dịch mới.

 

Freeman nói, “Tôi không ở đây để nói về sự bất công… đây là về những gì chúng ta có thể cùng nhau làm ngày hôm nay để giúp đỡ lẫn nhau …tương trợ lẫn nhau.”

 

“Tôi nghĩ Thorpe và tôi ở đây như một ví dụ về những gì bạn có thể làm khi bạn phát huy hết khả năng của mình. Bạn tự hào và mạnh mẽ”.

 

 

 

 

CANBERRA, ÚC - NGÀY 13 THÁNG 2: Thủ tướng Úc Kevin Rudd gặp Raymattja Marika sau khi gửi lời xin lỗi tới người dân bản địa vì những bất công đã gây ra trong suốt hai thế kỷ định cư của người da trắng tại Quốc hội Úc. Lời xin lỗi của Rudd đề cập đến "sự ngược đãi trong quá khứ" đối với tất cả người bản địa, đặc biệt là "Thế hệ bị đánh cắp", hàng chục nghìn trẻ em thổ dân bị chính phủ bắt khỏi gia đình từ năm 1910 đến đầu những năm 1970, nhằm mục đích đồng hóa chúng vào xã hội da trắng. (Ảnh của Andrew Sheargold/Getty Images). Ảnh: Andrew Sheargold/Getty Images

 

 

Chiến lược Thu hẹp Khoảng cách đầu tiên được hình thành

 

Sau đó, vào năm 2008, Thủ tướng Kevin Rudd đã chính thức đưa ra chiến lược Thu hẹp khoảng cách – Closing The Gap. Cùng năm đó, ông cũng đã đưa ra Lời xin lỗi quốc gia tới Thế hệ bị tách khỏi gia đình – Stolen Generations.

 

Chiến lược Thu hẹp khoảng cách ban đầu tập trung vào bảy lĩnh vực chính—những thứ như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, giáo dục và việc làm. Hy vọng là sẽ thấy những cải thiện có thể đo lường được trong vòng mười năm.

 

Và kể từ đó, hàng năm, Thủ tướng đương nhiệm đều trình bày một báo cáo nêu rõ cách chúng ta đang theo dõi tiến trình thu hẹp khoảng cách.

 

ông Morrison nói, “Trong 12 năm, tôi đã ngồi trong căn phòng này và lắng nghe các bài phát biểu của Closing the Gap – Thu hẹp khoảng cách. Đó là câu chuyện về niềm hy vọng, về cả sự thất vọng và chán nản—một câu chuyện về ý định tốt và thực sự là thiện chí.”

 

“Nhưng kết quả vẫn chưa đủ tốt. Thật đáng buồn, điều này vẫn đúng… Chúng ta đã duy trì một cách suy nghĩ vốn đã ăn sâu bám rễ... và đó là sự thay đổi mà chúng ta đang cùng với người Úc thổ dân tạo ra, thông qua quá trình này.”

 

Đó là Thủ tướng Scott Morrison vào năm 2019 - hơn một thập niên sau khi chiến lược ban đầu được khởi xướng.

 

Vào thời điểm đó, rõ ràng là mọi thứ không hiệu quả. Chỉ có hai trong số các mục tiêu ban đầu đi đúng hướng và khoảng cách tuổi thọ đã bắt đầu nới rộng trở lại.

 

 

HÌNH ẢNH ÔNG SCOTT MORRISON TRONG MỘT CUỘC HỌP BÁO VỀ CLOSING THE GAP. ẢNH: AAP IMAGE

 

 

Khoảnh khắc đó đánh dấu một bước ngoặt



Chiến lược đã được cải cách và đổi tên thành Thỏa thuận quốc gia về thu hẹp khoảng cách, và trọng tâm đã chuyển từ các giải pháp do chính phủ lãnh đạo sang quan hệ đối tác thực sự với các cộng đồng bản địa.

 

Một nhóm có tên là Coalition of Peaks - bao gồm hơn 80 tổ chức do cộng đồng thổ dân và người dân đảo eo biển Torres kiểm soát - đã được thành lập để đồng thiết kế phương pháp tiếp cận mới.
 

 

Ý tưởng rất đơn giản: chính sách không nên được đưa ra cho các cộng đồng - mà nên được đưa ra cùng với họ.

 

Thỏa thuận mới đặt ra 19 mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2031. Bao gồm:
 

 

• Trẻ em sinh ra khỏe mạnh và cường tráng
 

 

• Học sinh đạt được tiềm năng học tập đầy đủ của mình
 

 

• Giảm bớt số người trẻ tuổi bị giam giữ vì phạm tội
 

 

Đây là một cách tiếp cận rộng hơn, toàn diện hơn—không chỉ tập trung vào sức khỏe mà còn cả nhà ở, công lý, văn hóa và sự tham gia vào kinh tế.

 

 

Bà Pat Turner, là Trưởng nhóm triệu tập của tổ chức bảo vệ quyền lợi người Thổ dân Úc - Coalition of Peaks - phát biểu với giới truyền thông trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Nghị viện ở Thủ đô Canberra. Nguồn: AAP / LUKAS COCH/AAPIMAGE

 

 

 

Hiện nay nước Úc đang theo dõi tiến trình này như thế nào?

 

 

Đã gần một thế hệ trôi qua kể từ lời kêu gọi thay đổi của Tom Calma. Vào thời điểm đó, khoảng cách tuổi thọ giữa người Úc Thổ dân và không phải Thổ dân là 11 năm. Ngày nay, khoảng cách này là khoảng tám năm. Nhưng đáng lo ngại là xu hướng này một lần nữa lại đi sai hướng.

 

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Năng suất, đã có một số tiến bộ—11 trong số 19 mục tiêu đã được cải thiện. Nhưng hiện chỉ có năm mục tiêu đang đi đúng hướng.

 

Có một số dấu hiệu đáng khích lệ: ngày càng có nhiều trẻ sơ sinh được sinh ra với cân nặng khỏe mạnh và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi hoàn thành Lớp 12 hoặc trình độ tương đương.

 

Nhưng một số lĩnh vực, như tỷ lệ tự tử và tình trạng giam giữ người trưởng thành, lại đang đi thụt lùi.

 

Như Pat Turner, một phụ nữ Gudanji-Arrernte và là người dẫn đầu của tổ chức bảo vệ quyền lợi người Thổ dân Úc – gọi là tổ chức Coalition of Peaks, đã nói:

 

Bà Turner nói, “Chúng ta cần phải kiên trì thực hiện… Thu hẹp khoảng cách ở đây liên quan nhiều hơn đến số liệu thống kê; liên quan đến cuộc sống thực, gia đình vững mạnh và tương lai tươi sáng hơn... Liên quan đến việc đảm bảo rằng con em chúng ta lớn lên khỏe mạnh, tự hào và gắn bó với nền văn hóa của mình”.