Người đàn ông ăn mặc như nhà sư và chống nạng tiến đến gần mọi người tại Martin Place để xin tiền (Ảnh: Alexandra Back)

 

 

Theo Phật giáo Tiểu thừa, khất thực là một việc các tu sĩ áo vàng phải thực hành không nhằm mục đích “xin ăn” mà là tập rèn tánh kiên nhẫn, chịu đựng. Các tỳ kheo xếp thành hàng, lầm lũi đi trên đường phố tại các quốc gia theo Phật giáo Tiểu thừa như Thái Lan, Kampuchia, Tích Lan là chuyện bình thường. Tại Việt Nam, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Giáo hội Phật giáo Khất sĩ, dù tang (nam) hay ni (nữ), vẫn cắt đặt luân phiên các tu sĩ “xuống đường” mỗi buổi sáng ôm bình bát đi khất thực. Họ chỉ nhận thực phẩm và khi bình bát đầy, họ sẽ trở về tịnh xá (tương đương với chùa) để cùng chia nhau dùng ngay lúc 12 giờ trưa. Hệ phái Khất sĩ không dùng thực phẩm sau giờ Ngọ (ngoại trừ nước uống) cho đến sáng hôm sau và chẳng bao giờ rờ vào tiền.

Hiện nay (tháng 4/2025) tại Cabramatta, ít thấy các tu sĩ đi khất thực, nhiều người thắc mắc. Mời đọc tiếp để biết nguyên do.

Tại Úc, trước đây cũng có những nhà sư mặc áo vàng xuất hiện trên đường phố tại một số thành phố lớn như Perth, Adelaide, Melbourne, Sydney.

Những nhà sư này có thái độ khác thường bằng cách hỏi xin tiền "thẳng tay"́.

 

Phóng viên Úc theo dõi và đưa ra một loạt bài cáo giác rằng những người mặc áo vàng, để đầu trọc đang xin trên đường phố là “sư giả”. Chính quyền địa phương nhập cuộc và công bố “Đúng, toàn là sư giả đi ăn xin”. Tội nghiệp cho cá tu sĩ hệ phái Khất sĩ vì tiếng Anh “nghèo” không dùng chữ gì để chỉ “khất thực” mà dùng “ăn xin” (begging) nên cộng đồng không còn cảm tình với các nhà sư áo vàng. Từ năm 2015 đến 2025, sự hiện diện của các nhà sư đi khất thực vắng hẳn.

Nói đến việc xuống đường khất thực, Đức Phật khi tại thế cũng đã biết có một vài trở ngại trong việc thực hành nên Ngài đã nói rõ rằng các Tỳ kheo nên tránh ăn xin nếu có thể. Trong những lúc cần thiết, một Tỳ kheo được phép xin những nhu yếu phẩm cơ bản của mình, ví dụ, nếu áo choàng của mình bị đánh cắp, ông có thể yêu cầu một Phật tử nào đó cúng dường một chiếc áo choàng thay thế. Trong Kinh Phật có kể câu chuyện này về “ăn xin”: Một Tỳ kheo đến gặp Đức Phật và phàn nàn về một đàn chim lớn ồn ào đến đậu vào ban đêm trong khu rừng xung quanh nơi ở tu tập của mình.

Đức Phật gợi ý rằng nếu ông muốn chúng đi, ông nên đi ra ngoài, nhiều lần trong đêm, và xin một chiếc lông vũ từ mỗi con chim. Những con chim nghĩ rằng, “vị Tỳ kheo đó muốn một chiếc lông vũ, rồi một chiếc nữa, rồi một chiếc nữa...”, đã rời khỏi khu rừng và không bao giờ quay trở lại. Sau đó, Đức Phật giải thích rằng việc khất thực và ám chỉ là điều khó chịu ngay cả đối với những loài động vật bình thường, thì con người còn khó chịu hơn thế nữa.

Một Tỳ kheo liên tục “khất thực” mọi thứ sẽ thể hiện trạng thái tham lam của mình. Không ai thích nhìn thấy điều này, và ngay cả những Phật tử có thể bắt đầu bằng cách chỉ trích rồi chuyển sang đổ lỗi chùa chiền, tịnh xá hoặc thậm chí chạm đến Giáo lý của Đức Phật. Do đó, Đức Phật đã đặt ra nhiều giới luật để hướng dẫn các Tỳ kheo về cách cư xử đúng đắn.

 

Hình ảnh một đoàn khất sĩ đi khất thực trên đường phố của xứ sở Phật giáo Thái Lan

 

 

Nhắc lại chuyện cũ, có một dạo, NSW Fair Trading đã cảnh báo dân chúng NSW - đặc biệt cư dân thành phố Sydney - hãy cảnh giác với những kẻ lừa đảo cải trang thành nhà sư Phật giáo sau khi hàng chục độc giả của tờ Sydney Morning Herald cho biết họ đã bị những người đàn ông mặc trang phục màu vàng/cam tiếp cận để xin tiền.

Một phụ nữ cho biết một người đàn ông mặc trang phục nhà sư đã cố dẫn cô đến một máy ATM sau khi cô nói rằng mình không có tiền mặt, trong khi một độc giả khác cho biết "nhà sư" đã chìa ra một máy quẹt thẻ tín dụng (chuyện này hơi khó tin).

 

Độc giả cũng báo cáo rằng họ đã nhìn thấy các nhà sư ở Bondi Junction, Bondi Beach, Martin Place, Darlinghurst, Lane Cove và Chatswood - và xa hơn nữa là Melbourne, Adelaide, Fremantle và New York ở Hoa Kỳ.

Liên đoàn Hội đồng Phật giáo Úc châu cho biết các nhà sư Phật giáo thực thụ sẽ không tiếp cận người lạ trên phố để xin tiền mặt.

"Chúng tôi không bao giờ dung túng cho những người đã thọ giới, một nhà sư hay một nữ tu, lang thang trên phố để xin tiền", chủ tịch liên đoàn Kim Hollow cho biết.

 

Các chuyên gia luật hình sự cho biết một người giả làm nhà sư để xin tiền có thể bị buộc tội gian lận, mặc dù trước đó cảnh sát đã nói rằng những nhà sư giả mạo về mặt kỹ thuật không phạm tội vì họ không tự nhận mình là nhà sư hoặc nói rằng họ đang xin tiền từ thiện.

Từ những thông tin ồn ào đó, đường phố vắng bặt các nhà sư. Chẳng hiểu họ đích thị là các nhà sư giả nên thấy không còn làm ăn gì được nữa nên không xuất hiện hoặc các tu viện Phật giáo không muốn giới tu hành bị “chụp mũ” nên không để tu sĩ thực hành “khất thực”.

Tại Cabramatta, hiện nay vẫn còn vài ba Tỳ kheo đi khất thực thường xuyên. Quý vị rất quen mặt và chẳng bao giờ hỏi xin. Đi cách êm ả, chậm rãi và âm thầm, tay ôm bình bát, mắt ngó xuống cách hiền từ – riêng một ni cô áo vàng thì lại đi chân trần đúng như quy luật của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Nhiều Phật tử rất cung kính chắp tay cúng dường - bỏ vào bình bát của các nhà sư đi khất thực một vài trái cây ngon, đôi khi là tiền. Cảm động nhất là khi chính một nhà sư khất thực ở khu Cabramatta cúi thấp người bỏ tờ 10 đô vào đĩa xin tiền của một ông Tây đang cúi mọp xuống nền đường, trước mặt có bảng đề câu “I am homeless, help me”. Thi thoảng cũng có một đoàn khoảng 6, 7 Tỳ kheo áo vàng đậm đến xếp hàng ngang trước một số cửa tiệm - như đã hẹn trước – để đọc kinh cầu phước cho cửa hàng làm ăn phát đạt. Xin đừng hiểu sai nghĩa “khất thực” như người Tây hiểu mà tội cho các Tỳ kheo (nam và nữ). Ai hiểu được đạo lý thì cúng dường, đấy là tự nguyện.

Chính Đức Phật cũng đi khất thực và đó là cơ hội để Đức Phật giải bầy chân lý. Đức Phật đi khất thực để nói cho mọi người rằng hết thảy chúng sinh đều chịu chung quy luật sanh, lão, bệnh, tử; rằng con người cần thấy ra nỗi khổ chung cuộc đồng đẳng ấy của kiếp người để thương quý và ương trợ cho nhau cùng thoát ra khỏi nỗi khổ to lớn ấy, không nên vì cái nhìn thiển cận mà rơi vào tranh chấp, giành giật và xâu xé lẫn nhau chỉ vì mục đích thỏa mãn đôi chút danh lợi nhỏ nhoi và ngã tưởng hão huyền trong thế giới luân hồi khổ đau.

 

Kinh Mahàsàla, Tương Ưng Bộ, có câu chuyện kể rằng:

Vào một dịp khác, bước chân khất thực của Phật lại quay trở lại Sàvatthi. Một vị Bà-la-môn đại phú bị những người con bất hiếu đuổi ra khỏi nhà, với dáng bộ tiều tụy, đắp y thô xấu, đi đến chỗ Thế Tôn. Bậc Giác ngộ lên tiếng hỏi thăm vị Bà-lamôn đại phú đang ngồi một bên: - Này Bà-la-môn, sao dáng bộ ông tiều tụy? Sao ông đắp y thô xấu? - Thưa Tôn giả Gotama, ở đây bốn đứa con trai của con, chúng âm mưu với vợ của chúng, trục xuất con ra khỏi nhà. - Vậy này Bà-la-môn, hãy đọc thuộc bài kệ này, và khi nào quần chúng hội họp trong thính đường và cả các người con cùng ngồi họp, hãy đọc lên bài kệ:

 

Khi chúng sanh, tôi mừng

Tôi muốn chúng trưởng thành.

Nay cùng vợ âm mưu,

Chống tôi và đuổi tôi,

Chẳng khác gì con chó,

Xua đuổi bầy heo lợn,

Ác độc và lỗ mãng,

Miệng chúng gọi: “Cha thân”.

Lòng như quỷ Dạ-xoa,

Đội lốt là con tôi,

Và chúng trục xuất tôi,

Khi tôi đến tuổi già,

Như ngựa già suy nhược,

Bị tẩn xuất chuồng ăn.

Nay cha già bọn trẻ,

Phải ăn xin nhà người,

Thà cho tôi cái gậy,

Hơn lũ con bất hiếu.

Với gậy, chặn bò dữ,

Chặn được loại chó dữ,

Chỗ tối dò an toàn,

Chỗ sâu, tìm chân đứng,

Với sức mạnh chiếc gậy,

Vấp ngã đứng dậy được.

 

Bà-la-môn đại phú ấy học thuộc lòng bài kệ này từ Đức Thế Tôn. Khi quần chúng tụ hội tại thính đường và giữa các người con đang ngồi họp, vị ấy đọc lên bài kệ: “Khi chúng sanh, tôi mừng,..Vấp ngã, đứng dậy được.”

Thế rồì, những người con của Bà-la-môn đại phú ấy, dắt người cha về nhà, tắm rửa và mỗi người đắp cho cha một bộ áo và xin tạ tội cùng cha.

Mong sao các Ty kheo đi khất thực cũng lập lại được điều mà Đức Thế Tôn đã làm để sáng tỏ ý nghĩa khất thực từ nguyên thủy khỏi bị một số người hiểu sai thành “xin ăn”.

 

 

Người Sydney