Câu thành ngữ mang tính cách Việt chất rất cao, không vay mượn “Cả vú lấp miệng em” có thể là câu bất cứ từ một ngôn ngữ nào khác bởi mẹ vén yếm đào cho con bú đã trải qua một thời gian dài theo dòng lịch sử của dân tộc Việt.

 

 

Người đời quá quen thuộc với hình ảnh khi em bé khóc thét liền được mẹ phản ứng tự nhiên bằng cách vạch áo cho bú tí - chẳng cần dỗ dành, tìm hiểu nguyên do mà chỉ cốt sao cho bé im tiếng khóc - tức thì bé nín ngay. Điều này cũng thấy na ná hoàn cảnh trong xã hội Việt Nam ở thời phong kiến, cường quyền ác bá, ở thời quan to chức lớn nhũng đoạn… kẻ lắm tiền nhiều bạc hoặc quyền lực trong tay mỗi khi làm điều sái quấy, chèn ép dân lành bèn đưa cái lợi thế của mình ra “bịt miệng” những tiếng kêu oan, lời nguyền rủa, đơn thưa gửi.

 

 

Chỉ trong 5 chữ của câu “Cả vú lấp miệng em” đã làm trơn lọt nhiều chuyện đen tối (nghĩa bóng), đã cho em bé thỏa thê vì no bụng (nghĩa thực).

 

Cả là to lớn, mạnh bạo và dám làm, vú là nguồn đọng đầy dinh dưỡng; lấp là che đậy hoặc không cho kêu la, buộc phải im đi; miệng là nơi có nhu cầu và cũng là nơi phát ra tiếng ồn ào, em là kẻ dưới quyền.

 

 

Ai dám làm bây giờ, ai là người muốn sống và kêu la?

 

Bình thường và tự nhiên, người mẹ đang bồng con hoặc con đang nằm bên cạnh mẹ, một khi mẹ nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về, nựng nịu gì cả mà lập tức dùng bầu sữa sẵn có trên mình để lấp miệng bé. Nhờ được bú vú mẹ, đứa trẻ không còn khóc nữa. Mới hay là, với bé, bầu vú của mẹ (nếu được căng đầy thì càng tốt) có thế mạnh và ứng nghiệm trông thấy. Hiện tượng rất phổ cập trong ngày xa xưa mà dân gian vẫn gặp, vẫn thấy hàng ngày được ứng dụng trong chuyện đời. Câu nói “cả vú lấp miệng em” hình thành mang ý nghĩa “bóng” để chỉ cho hiện tượng dùng quyền lực, thế mạnh chèn ép, lấn át người khác - nhất là người “thấp cổ, bé miệng” và lại đang có nhu cầu vì “đọi”. Câu nói có sự tương tác giữa hai vế “người giàu hoặc có thế lực” và “người nghèo hoặc dân quèn”. Ở đây hoàn toàn không có chống đối; rõ ràng phe yếu cứ “ngoan ngoãn” im lặng để hưởng. Như vậy, câu tục ngữ này hẳn phải phát sinh trong thời kỳ dân tộc đang sống trong cảnh bị trị, lệ thuộc; chưa ai dám đứng lên chống trả bạo quyền, trọc phú độc ác, tham lam.

 

 

Về xuất xứ và ý nghĩa chung của thành ngữ “Cả vú lấp miệng em” như thế là đã rõ. Giới quyền hành, giàu có hay áp bức “dân ngu khu đen” áp dụng câu này cách rành rẽ và triệt để. Người thấp hèn hầu như cam phận “chịu đấm ăn xôi”. Người mẹ không muốn nghe con khóc nên áp sát bầu sữa no tròn che phủ miệng bé. Kẻ quyền hành tung bửu bối phủ lấp việc làm sai. Một câu rất gợi hình đầy đủ hai ý nghĩa hiện hữu lâu dài hầu như chẳng bao giờ vắng bóng trong đời sống người Việt trong nước. Một câu thành ngữ hàm chứa tâm trạng buồn - một vết đen trong dân gian vẫn chưa rửa gột được. Chỉ khi nào hoặc nơi nào có tình thương, có sự công bằng, có công lý thì bóng dáng của câu “Cả vú lấp miệng em” họa may mới phai lạt.

 

 

May thay trong văn học Việt, Thế Lữ đã nói lên lòng bất khuất của một con Hổ được nuôi trong vườn thú không muốn nhận cái đầy đủ của vật chất mà bị mất tự do; chẳng khác nào (nếu có) em bé vẫn vùng vằng “em chẳng, em chẳng” gạt đi bầu sữa mẹ hay người thấp hèn chẳng chuộng những thứ của kẻ quyền thế, giàu có muốn bịt miệng kêu than, tố giác.

 

 

Xin đăng tải bài Nhớ Rừng của Thế Lữ để thấy trong dân gian cũng còn có người đủ khí khái “chê” miếng ngon đem đến miệng mình.

 

 

(Viết riêng cho Nam Úc)

 

 

 

 

NHỚ RỪNG

 

(Lời con hổ ở vườn Bách thú)
Tặng Nguyễn Tường Tam

 

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

 

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những
ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn
hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường
hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp
nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không
tuổi.

 

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn
phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng
gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau
rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

                           *

 

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay
đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả
dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao
ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

 

 

1934

 


Thế Lữ (1907 - 1989)

 

Chú thích:

 

Bài thơ này được cho là lấy cảm hứng từ bài Der Panther (Con báo) của Rainer Maria Rilke (Áo, 1875-1926) và bài Tyger (Con hổ) của William Blake (Anh, 1757-1827)